Lưỡi cọp đỏ
Tên tiếng Việt: Hồng mao chiên, hồng địa chiên, mao lương tán, cơm nguội đá vôi
Tên khoa học: Ardisia mamillata Hance
Họ: Myrsinaceae- Đơn Nem
Công dụng: Chữa sốt, kiết lỵ hoàng đản, phong thấp, đau xương, cầm máu khi bị ho ra máu, ngoại thường xuất huyết, kinh nguyệt quá nhiều, đau bụng khi thấy kinh, trẻ em cam tích.
Mô tả
- Cây nhỏ, cao 10 – 20 cm. Thân đơn, phủ lông mềm, lúc non dày và dẹt, sau tròn, vỏ hơi sần sùi, có khía dọc.
- Lá thường mọc tập trung ở ngọn thân, hình bầu dục – thuôn, dài 9 – 13 cm, rộng 4 – 5 cm, gốc gần tròn, đầu hơi nhọn, mặt trên hơi rộp, màu lục sẫm, mặt dưới phẳng rất nhạt, mép khía răng tròn; cuống là dài 0,8 – 1 cm.
- Cụm hoa mọc ở đầu cành, dài 4 – 7 cm, hoa màu hồng, 4 – 5 cái, tụ họp thành tán; lá bắc thuộn nhỏ; đài có 5 răng hẹp nhọn, ở lưng và mép có lông, ống đài rất ngắn; tràng 5 cánh hình mác nhọn; nhị 5, chỉ nhị rất ngắn; bầu hình trứng, noãn nhiều xếp thành 3 hàng.
- Quả chưa gặp.
- Mùa ra hoa: tháng 5 – 6.
Phân bố, sinh thái
Chi Ardisia SW. ở Việt Nam có tới 99 loài (Trần Kim Liên, 2004). Trong đó, gần 10 loài được dùng làm thuốc, bao gồm cả loài cây lưỡi cọp đỏ kể trên. Lưỡi cọp đỏ có ở tỉnh Lào Cai, Hòa Bình và Hà Tây (cũ). Trên thế giới, cây có ở phía Nam Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông).
Lưỡi cọp đỏ là dạng cây thảo nhỏ, ưa ẩm và chịu bóng, thường mọc rải rác trên đất ẩm nhiều mùn, dưới tán rừng núi đá vôi, độ cao phân bố tới 1.800m (Sa Pa – Lào Cai). Cây ra hoa quả hàng năm, tái sinh tự nhiên từ hạt. Ngoài ra, lưỡi cọp đó còn có khả năng mọc cây chồi từ phần còn lại sau khi bị cắt.
Lưỡi cọp đó là cây thuốc tương đối hiếm gặp tự nhiên. Cây đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (2007) để khuyến cáo bảo vệ.
Bộ phận dùng
Toàn cây.
Thành phần hóa học
Theo “Trung dược từ hải I, 1993, cây lưỡi cọp đỏ chứa stigmasterol, cyclamiretin A.
Tính vị, công năng
Toàn cây lưỡi cọp đỏ có vị cay, đắng, hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hoạt huyết, hoả ứ.
Công dụng
Toàn cây lưỡi cọp đỏ được dùng để chữa sốt, kiết lỵ hoàng đản, phong thấp, đau xương, cầm máu khi bị ho ra máu, ngoại thường xuất huyết, kinh nguyệt quá nhiều, đau bụng khi thấy kinh, trẻ em cam tích.
Liều dùng hàng ngày: 10 – 20g toàn cây khô sắc uống hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài, tán cây khô thành bột, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác, thêm nước làm thành bánh đắp để chữa chấn thương do bị đánh hoặc bị ngã; hoặc khi bị sưng tấy, mụn nhọt.