Me rừng
Tên tiếng Việt: Me rừng, Chùm ruột núi, Mận rừng, Cam lam, Trám rừng, Chùm ruột rừng, Me quả tròn, Mắc kham, Mạy kham (Tày), Diều cam (Dao), Xi xa liên (Kho)
Tên khoa học: Phyllanthus emblica L.
Họ: Euphorbiaceae (Thầu dầu)
Công dụng: Nước ăn chân, sưng yết hầu, cảm mạo, sốt, đái đường (Quả). Rắn cắn (Vỏ cây).
Mô tả cây
Cây nhỡ cao 3m, phân nhiều cành, cành nhỏ mềm, có lông, dài 20 cm. Lá xếp thành hai dãy trên các cành nhỏ trông giống như một lá kép lông chim, cuống lá rất ngắn. Lá kèm rất nhỏ hình ba cạnh.
Hoa nhỏ, đơn tính cùng gốc. Cụm hoa thành xim co mọc ở nách lá phía dưới của cành, với rất nhiều hoa đực, vài hoa cái. Quả hình cầu trước mọng, sau khô thành quả nang. Hạt hình ba cạnh, màu hồng nhạt. Mùa hoa: từ tháng 3 đến tháng 11.
Phân bố thu hái và chế biến
- Cây mọc phổ biến trên các đồi trọc, các bãi hoang, trong các rừng thưa ở nước ta. Cây ưa ánh sáng, chịu được khô hạn. Còn thấy mọc ở nhiều nước vùng nhiệt đới châu Á như Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam), Ấn Độ. Làm thuốc người ta dùng quả, rễ và lá. Trong công nghiệp người ta còn dùng vỏ thân, làm nguồn nguyên liệu chế tanin.
- Rễ thu hái quanh năm, đào về rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô. Quả thu hái vào mùa thu, đồ hơi nước rồi phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học
- Quả chứa khoảng 45% tanin. Quả còn xanh chứa 30-35% tanin (Trung Quốc kinh tế thực vật chi, 1961, 1178). Thành phần tanin gồm axit chebulinic C11H32O27, axit chebulagìc corilagin C41H30O27, terchebin C27H22O18, axit chebulic C41H30O26 axit galic, axit ellagic (C. 1966, 64, 3961 d). Ngoài ra còn axit phyllemblic C16H28O17(COOH)8, emblicol (OCH3)6 (C. A. ,1959, 53, 5416), axit muxic C6H10O8. A., 1962, 56, 15830 C), rất nhiều vitamin C (l-l,8g/100g) (C. A., 1961, 55, 4815 d).
- Lá chứa tanin (lá non 23-28%), ngoài ra còn kaempferol 3-glucozit (Sumbra-manian s . s . et al., Phytochemistry, 1971, 10, 2549), sitosterol, axit ellagic và lupeol (C. A., 1968, 69, 74455y). Vỏ thân chứa 28-29,36% tanin, 2,25% lupeol, 3,75% d-Leucodelphinidin (C. A., 1958, 52, 20455 b).
Công dụng và liều dùng
- Trong tài liệu cổ “Đường bản thảo” và “Nam phương thảo mộc trạng”) ghi: Quả có vị chua, ngọt, đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, hóa đờm, sinh tân; rễ vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thu liễm và giáng áp.
- Thường dùng chữa cảm mạo, phát sốt, ho, đau cổ họng, miệng khô khát. Mỗi ngày dùng 10-30 quả sắc uống. Viêm ruột, đau bụng đi ngoài, cao huyết áp: Ngày dùng 15-20g rễ sắc uống. Lở loét, mẩn ngứa dùng lá nấu nước rửa bên ngoài.
- Tại Ấn Độ người ta coi quả me rừng như một nguồn vitamin C, dùng với tên “myrobalan emblic”. Tươi thì là một vị thuốc mát lợi tiểu, nhuận tràng, dùng dưới hình thức mứt (thêm đường mật), khô dùng chữa lỵ, ỉa chảy.
- Vỏ cây cũng được dùng làm thuốc chữa ỉa chảy nhưng chủ yếu làm nguồn chất chát dùng thuộc da và nhuộm.