Ngải dại
Tên tiếng Việt: Ngải cứu dại, Mẫu hao
Tên khoa học: Artemisia vulgaris L. var. indica (Willd.) DC.
Họ: Asteraceae
Công dụng: Điều kinh, tả, đầy bụng, ho (Lá, ngọn non sắc hoặc nấu cao uống).
Mô tả
- Cây có hình dáng rất giống ngải cứu, chỉ khác là mặt trên lá màu lục nhạt, mặt dưới ít lông; lông không có màu trắng mà xám nhạt.
- Mùi của lá ngải dại khi vò ra cũng hắc hơn.
Phân bố
- Ngải dại mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía bắc, ở đọ cao khoảng 800m trở lên (2200m ở đèo Hoàng Liên Sơn)
- Những tỉnh có nhiều ngải dại là Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu với trữ lượng rất lớn.
- Ngải dại mọc hoang thành đám liên tục trên đất ẩm ở ven đường đi, ven rừng, trên nương rẫy gần bờ khe suối.
- Ngải dại sinh trưởng mạnh từ tháng 4 đến tháng 7 sau đó bắt đầu có hoa quả. Nhiệt độ thích hợp là 13-18oC
Bộ phận dùng
Phần trên mặt đất, phơi hay sấy khô
Công dụng
Nhân dân vẫn dùng ngải dại làm thuốc chữa bệnh thay ngải cứu để chữa đau đầu, đau bụng, chảy máu, rối loạn kinh nguyệt, thuốc chống nôn, kiện vị, bài hơi.
Cây tươi giã nát với thuốc, hơ nóng đắp chữa vết thương, bầm tím, sưng phù, bong gân.
Một số cơ sở dược phẩm ở các tỉnh có nhiều dược liệu này cũng khai thác thu mua ngải dại thay ngải cứu để sản xuất thuốc điều kinh dùng trong tỉnh và xuất cho các tỉnh khác.
Chú ý: không thể dùng ngải dại làm mồi cứu được vì chỉ có lá ngải cứu phơi khô, tán nhỏ mới rây lấy được phần lông trắng và tơi xốp gọi là ngải nhung để làm mồi cứu.