Nghệ
Tên tiếng Việt: Nghệ, Nghệ nhà, Khương hoàng, Co khản mỉn, Co hem (Thái), Uất kim, Khinh lương (Tày)
Tên khoa học: Curcuma longa L.
Tên đồng nghĩa: Curcuma domestica Valet.
Họ: Zingiberaceae (Gừng)
Công dụng: Vàng da, thông huyết, đau dạ dày (Thân rễ sắc hoặc tán bột trộn mật ong uống). Chóng lên da, mất sẹo (Thân tươi giã lấy nước bôi). Còn chữa táo bón và bỏng.
Mô tả
- Cây thảo, cao 0,60-1m. Thân rễ to, có ngấn, phân nhánh thành nhiều củ hình bầu dục, màu vàng sẫm đến vàng đỏ, rất thơm.
- Lá mọc thẳng từ thân rễ, gốc thuôn hẹp, đầu hơi nhọn, dài 30-40 cm , rộng 10 – 15cm, hai mặt nhẵn cùng màu lục nhạt, mép nguyên uốn lượn, bẹ lá rộng và dài.
- Cụm hoa hình trụ hoặc hình trứng đính trên một cán mập dài đến 20 cm, mọc từ giữa túm lá; lá bắc rời, màu rất nhạt, những lá phía dưới mang hoa sinh sản, màu lục hoặc trắng nhạt, những lá gần ngọn không mang hoa hẹp hơn và pha màu hồng ở đầu lá; đài có 3 răng không đều; tràng có ống dài, cánh giữa dài hơn các cánh bên, màu vàng; nhị có bao phấn có cựa do một phần lồi ra của trung đới ở dưới các ô; nhị lép dài hơn bao phấn; cánh môi gần hình mắt chim, hơi chia 3 thuỳ; bầu có lông.
- Quả nang, 3 ô, mở bằng van; hạt có áo.
- Mùa hoa quả: tháng 3-5.
Ở miền Nam, loài nghệ vàng (Curcuma xanthorrhiza Roxb.) được dùng phổ biến hơn.
Phân bố, sinh thái
Nghệ có nguồn gốc nguyên thủy có lẽ từ Ấn Độ. Từ thời xa xưa, cây đã được trồng ở nhiều nơi về sau trở nên hoang dại, trước hết là ở Trung Quốc. Vào thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 8, cây được du nhập sang Đông Phi; đến thế kỷ 13, sang vùng Tây Phi và thế kỷ 18 người dân Jamaica mới tiếp xúc với cây nghệ. Ngày nay, nghệ là một cây trồng quen thuộc ở khắp các nước vùng nhiệt đới, từ Nam Á đến Đông – Nam Á và Đông Á (Trimurti H. Wardini & Budi Prakoso, 1999, Curcuma L.; in L. s de Padua et al., PROSEA No 12 (1) – Med. and Poi. Pis, 216).
Ở Việt Nam, nghệ cũng được coi là một cây trồng cổ ở khắp các địa phương, từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng núi cao trên 1500m. Ở một số nơi thuộc huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang); Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu)… Chính loài nghệ này đã trở nên hoang dại hoá ở các ruộng ngô, nương rẫy.
Nghệ là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng; cây có biên độ sinh thái rộng, thích nghi được với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Từ nơi có khí hậu nhiệt đới điển hình, nhiệt độ trung bình đến 25 – 26°C ở các tỉnh phía nam (không có mùa đông lạnh) đến những nơi có khí hậu cận nhiệt đới núi cao phía bắc, nhiệt độ trung bình dưới 20°C, với mùa đông lạnh kéo dài nghệ vẫn tồn tại và sinh trưởng phát triển tốt. Toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi vào mùa đông ở các tỉnh phía bắc và mùa khô ở các tỉnh phía nam. Cây mọc lại vào giữa mùa xuân, có hoa sau khi đã ra lá. Hoa mọc trên những thân của những chồi năm trước. Những thân đã ra hoa thì năm sau không mọc lại nữa và phần thân rễ của chúng trở thành những “củ cái” già, sau 1 – 2 năm bị thối, cho những nhánh non nẩy chồi thành các cá thể mới. Trên một cụm hoa, các hoa phía gốc nở trước và thời gian hoa nở kéo dài 3 – 4 ngày. Hoa tự thụ phấn hoặc nhờ cô trùng. Nghệ có trữ lượng khá dồi dào ở Việt Nam. Bên cạnh nguồn cung cấp do trổng trong nhân dân, một số địa phương phía bắc, nghệ mọc hoang dại hoá ước tính trữ lượng tới 1000 tấn. Người dân tộc H’ Mông, Dao, Hoa…. cho biết nghệ mọc hoang tràn lan ở ruộng ngô hiện nay là do trồng trọt còn sót lại, toàn bộ phần thân lá và củ già khi tàn lụi là nguồn phân bón cho ngô. Vì vậy, trong quá trình canh tác, họ không loại bỏ nghệ ra khỏi ruộng ngô.
Cách trồng
Nghệ được trồng phổ biến ở nhiều nơi, vừa làm gia vị vừa làm thuốc. Cây không kén đất, ưa ẩm, chịu bóng nhưng không chịu được úng. Những nơi có khí hậu nóng hoặc vùng mát mẻ quanh năm đều thích hợp cho việc trồng nghệ, về mùa đông, cây tàn lụi, sang xuân lại tái sinh.
Người ta trồng nghệ bằng rễ củ. Sau khi thu hoạch, chọn những củ to, khoẻ, có nhiều nhánh mang mầm để riêng nơi râm mát. Trước khi trồng, tách lấy những nhánh mầm, nặng trên dưới 10g để làm giống. Một hecta cần chừng 1-1,5 tấn mầm giống.
Ở Việt Nam, nghệ thường được trồng vào cuối tháng 2 đến hết tháng 3. Chọn đất thịt nhẹ, đất pha cát hoặc đất đồi, cao ráo, thoát nước. Đất được cày bừa kỹ, đập nhỏ, vơ sạch cỏ. Ở đất bằng, cần lên thành luống, ở đất dốc, có thể trồng thành lô. Khoảng cách trồng là 25x30cm hoặc 30x30cm.
Mật độ cây trồng và phân bón có liên quan mật thiết đến năng suất nghệ. Mỗi hecta cần đảm bảo trồng 110.000 – 115.000 cây, bón 20 – 25 tấn phân chuồng, 250 – 300kg N, 200 – 300kg P2O5 và 100 – 150 kg K2O. Phân chuồng, phân lân, 1/3 phân đạm và 1/3 phân kali bón lót. Số phân đạm và kali còn lại dùng để bón thúc vào các thời kỳ cây ra mầm và phát triển thân lá. Có thể dùng nước phân chuồng, nước giải và tro để thay thế một phần phân đạm và kali.
Sau khi đặt mầm, lấp đất sâu 3 – 5 cm và phủ rơm rạ, tưới giữ ẩm. Lúc cây còn nhỏ, cần làm cỏ, xới xáo 2- 3 lần. Cây đã lớn có thể lấn át cỏ dại. Trong suốt quá trình sinh trưởng, giữ cho đất luôn ẩm nhưng phải tháo nước kịp thời sau khi mưa ngập. Nghệ sống khoẻ, ít bị sâu bệnh phá hoại, cần đề phòng bệnh thối củ khi bị úng.
Nghệ thu hoạch vào mùa đông khi thân lá tàn lụi. Có thể để 2 năm, nhưng không nên thu vào lúc cây ra mầm. Năng suất trung bình đạt 11 – 12 tấn củ tươi một hecta.
Bộ phận dùng
Thân rễ được thu hái vào tháng 8 và 9, cắt bỏ rễ để riêng. Muốn để lâu, người ta hấp nghệ trong 6-12 giờ, để ráo nước rồi đem phơi nắng hay sấy khô. Trong y học cổ truyền, nghệ được chế biến như sau:
- Dạng thái phiến: Đem nghệ thái phiến vát, phơi hay sấy khô. Nếu là củ khô thì ngâm, rửa, ủ mềm rồi thái phiến, phơi khô.
- Dạng sao với giấm: Nghệ (10kg) giấm (1,5-2 kg). Sau khi tẩm đều, để nghệ hút hết giấm 30 phút, dùng lửa nhỏ sao khô là được. Có thể luộc nghệ với giấm, rồi thái phiến, phơi khô.
- Dạng phiến sao vàng: Đem nghệ đã thái phiến sao đến khi có màu vàng thẫm
- Dạng chế với phèn chua: Nghệ thái phiến tẩm nước phèn chua với tỷ lệ 10kg nghệ và 0,1 kg phèn chua, nước vừa đủ, ủ một giờ, sao đến khi vàng.
- Dạng chế với giấm, phèn chua: Nghệ (10kg), giấm (1kg) phèn chua (0,lkg), nước vừa đủ. Trước hết trộn đều nghệ với giấm, thêm ít nước cháo nóng. Thêm dung dịch phèn chua vào, trộn đều, để 24 giờ, đem luộc đến khi cạn, phơi khô se (còn khoảng 30% nước), ủ mềm 2 ngày rồi thái phiến 3-5 mm,phơi khô. Cũng có thể làm như vậy trong 10 ngày liền, thái phiến, phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hoá học
Củ nghệ trồng ở Ấn Độ cho các chỉ số sau: Nước 13,1%; protein 6,3%; chất béo 5,1%, chất vô cơ 3,5%; sợi 2,6%; carbonhydrat 69,4% và caroten tính theo vitamin A 50 đơn vị quốc tế.
Cất kéo nghệ bằng hơi nước được 5,8% tinh dầu với các chỉ số sau: tỷ trọng ở 20° 0,929; lip 1,5054,
Ở Việt Nam, Nguyễn Xuân Cường, Nguyền Văn Đàn (Viện Dược liệu) đã xác định trong củ nghệ có hỗn hợp chất màu 3,5 – 4% và phân lập dược curcumin tinh khiết với hàm lượng 1,5 – 2%. Trong tinh dầu lá nghệ, Nguyền Xuân Dũng và cộng sự đã phân tích và xác định hơn 20 thành phần gồm các monoterpen: phellandren (24,5%), cineol (15,9%), p. cymen (13,2%) và p pinen (8,9%) là các thành phần chính. (Viện Dược liệu Công trình nghiên cứu khoa học 1972 – 1986; CA, 124, 1996. 140 – 946s).
Theo tài liệu Trung Quốc (Trung dược từ hải tập II. 1760), nghệ có turmerol (20,07%), zingiberen ( 8 – 14%) limonen, cineol, terpinen, linalool, borneol, D. p phellandren, d. sabinen, zingeren, curcumin, parahydroxy cinnamoyl methan. p. p’ dihydroxycinnamoyl methan.
Các chất màu phenolic trong củ nghệ chủ yếu là các dẫn chất của diarylheptan, 3 chất chủ yếu là curcumin (bisferuloyl – methan) (1) bis (4 hydroxy – cinnamoyl) – methan (2) và 4 – hydroxycinnamoyl feruloyl methan (3).
- Thực ra, curcumin là một hỗn hợp 3 thứ: curcumin chính thức (gọi là curcumin I) chiếm tỷ lệ 60% là biferuloylmethan (1), curcumin II là monodesmetoxy curcumin chiếm 24% (4) và curcumin III là bidesmetory curcumin 14% (5).
- Nhiều hợp chất terpen khác cũng đã được xác dịnh có trong tinh dầu nghệ là a và p pinen, camphen, limonen, terpinen, caryophyllen, linalool, borneol, isoborneol, camphor, eugenol, cineol curdion, curzerenon, và curcumen (11, 12, 13).
Hai hợp chất có tác dụng antioxydant và chống viêm được chiết xuất và xác định cùng với các curcuminoid đã nêu trên, có cấu trúc 1,5 bis (4 hydroxy, 3 methoxy phenyl) – penta – (IE – 4E) – 1,4 – dien 3 on và 1 – (4 hydroxy – 3 – methoxy phenyl – 5 – (4 hydroxy phenyl) – penta (IE, 4E) – 1 – 4 – dien – 3 – on (CA, 119, 1993, 40492u).
Hai hợp chất phenol – sesquiterpen ceton có tác dụng ức chế men lipoxygenase có trong củ nghệ với cấu trúc là 2 – methyl – 6 – (3 hydroxy – 4 methyl – phenyl – 2 hepten – 4 – on (turmeronol A) và 2 methyl – 6 – (2 hydroxy – 4 methylphenyl) 2 hepten – 4 on (turmeronol B). (Imail, shinzuke – Morikiyo – Maimi – CA, 114, 1991, 57975 y).
Người ta cũng dựa vào thành phần hoá học các sesquiterpen trong củ nghệ để phân loại các loại nghệ.
Phân tích bằng GC/MS một số loại nghệ trên thị trường thấy có 8 sesquiterpenoid: a curcumen (1) zingiberen (2) (3), p sesquiphellandren (4), ar – (+) tuimerol (5), oc turmeron (6), p turmeron (7) và germacol (8).
Dựa vào các sesquiterpen trên, người ta có thể chia nghệ thành 2 chemotyp:
- Loại thứ nhất chứa lượng lớn (2) (4) (6) và (8), là những chất chìa khoá (key compounds) của (typ la)
- Loại thứ hai (typ lia) chứa lượng lớn của (6) lượng nhỏ 1 – 4 và không có (8).
Phân tích 14 mẫu nghệ của Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan lại thấy có phần hơi khác, chúng thường chứa một lượng lớn các chất (1) và (5) và lượng nhỏ (2) và (6) và có thể chia thành chemotype Ib và IIb… (Uahara, Shiniki, Yasuda Ichừo CA 117, 1992 258029d).
Phân tích thành phần của dịch chiết acetat etyl từ củ nghệ có tác dụng ức chế sự giải phóng histamin và dị ứng typ 1 thấy có curcumin, monodemethoxy curcumin, biđemethoxy curcumin, acid ferulic – acid caffeic; acid p. coumaric; và acid transcinnamic. (Futagami Yoko; Yano Shing CA, 126, 1997, 3410257f).
Gần đây nhiều tác giả đã nghiên cứu các polysaccharid có hoạt tính sinh vật trong củ nghệ, 3 chất ukonan A, ukonan B và ukonan c, đã được chiết có tác dụng lên hệ thống lưới nội mô (reticuloendo thelissystem) có cấu trúc là L arabinose; D xylose; D galactose; D. glucose; L rhamose = D galacturonic acid với tỷ lệ phân tử là:
- 12 = 4=12=1=4=10 (ukonan A)
- 12 = 4=12=1=2 = 4 (ukonanB)
- và 8 = 3 = 6=14 = 2 = 3 (ukonanc). (Kyoritsu, Gonda, Ryoko; Tomoda Masahi CA, 113, 1990, 94766f; CA 113, 1990, 74779j).
Gonda Ryoko; Takeda Kerji cũng chiết được một polysaccharid trung tính là ukonan D, với trọng lượng phân tử là 28.000. Thành phần gồm L. arabinose, D. galactose, D. glucose, D. manose với tỷ lệ phân tử 1: 1 : 1:2:2. (CA. 116, 1992 241794f).
Chất màu trong củ nghệ có thể chiết xuất dễ dàng bằng cách dùng dung môi chiết trực tiếp từ bột củ nghệ hoặc chiết bằng nước kiềm, sau đó, tủa với acid.
Zang Lian Kui; Yang Zhibin đã chiết curcumin từ củ nghệ theo các bước sau:
- Chiết các chất bay hơi (tinh dầu) bằng cất kéo hơi nước.
- Chiết với cồn ethylic
- Xử lý với ether dầu hoả
- Tinh chế với phương pháp acid – base.
- Từ 100kg củ nghệ lấy được 5 kg curcumin (CA – 111, 1989,231032 p).
Curcumin từ nghệ có tác dụng ức chế u và có thể coi là một chất anticarcinogen có giá trị.
Tác dụng dược lý
– Nghệ có hoạt tính ức chế chống viêm cấp tính và viêm mạn tính trong các mô hình gây phù bàn chân và gây u hạt thực nghiệm trên chuột cống trắng, đồng thời có tác dụng gây thu teo tuyến ức chuột cống đực non. Tác dụng này tương tự như hydrocortison acetat, hoặc indomethacin. Tinh dầu nghệ có hoạt tính chống viêm khớp thực nghiệm. Hoạt tính này có thể do ức chế các enzym trypsin và hyaluronidase. Curcumin và dẫn chất là những thành phần có hoạt tính chống viêm, tác dụng này có thể do khả năng thu dọn những gốc oxy có liên quan đến quá trình viêm. Một phân đoạn polysacharid chiết từ nghệ tiêm phúc mạc làm tăng khả năng thực bào ở chuột nhắt trắng trong thử nghiệm thanh thải carbon dạng keo.
– Nghệ có hoạt tính chống loét dạ dày và loạn tiêu hoá. Cao nước hoặc cao methanol cho thỏ uống làm giảm tiết dịch vị và tăng lượng chất nhầy của dịch vị. Cho chuột cống trắng uống cao cồn làm giảm tiết dịch vị và bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng chống thương tổn gây bởi thắt môn vị, stress gây bởi hạ nhiệt – cầm giữ, nhịn đói, indomethacin, reserpin và mercaptamin, và những chất phá huỷ tế bào như methanol 80 %, Acid hydrocloric 0,6 mol/ lít, natri hydroxyd 0,2 mol/lít và natri clorid 25 %. Nghệ kích thích sản sinh chất nhầy ở thành và phục hồi Sulfid không protein ở chuột cống trắng. Curcumin dự phòng và cải thiện những thương tổn gây thực nghiệm ở dạ dày do kích thích sản sinh chất nhầy. Tuy vậy, cả tiêm phúc mạc và cho uống curcumin đều gây loét dạ dày ở chuột cống trắng.
– Natri curcuminat kích thích không đặc hiệu co bóp cơ trơn hồi tràng cô lập chuột lang. Curcumin ức chế sự tạo khí invitro và invivo. Cho thêm curcumin vào Clostridium perfringens phân lập từ ruột in vitro, và cho curcumin vào thức ăn cho chuột cống trắng làm giảm sự tạo khí: Tinh dầu và natri curcuminat làm tăng tiết mật sau khi tiêm tĩnh mạch cho chó; ngoài ra, còn kích thích cơ túi mật.
- Cho bệnh nhân uống bột nghệ 500mg, ngày 4 lần, trong 7 ngày đã có hiệu quả tốt đối với loạn tiêu hóa acid, loạn tiêu hoá đầy hơi và loạn tiêu hoá mất trương lực.
- Hai thử nghiệm lâm sàng khác đánh giá tác dụng trên loét dạ dày tá tràng cho thấy việc uống thuốc kích thích sự lành loét và làm giảm đau bụng.
- Hai thử nghiệm lâm sàng chứng minh curcumin là một thuốc chống viêm có hiệu quả.
- Một nghiên cứu lâm sàng ngắn hạn (2 tuần) trên bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cho thấy curcumin hoặc phenylbutazon có tác dụng cải thiện đối với sự cứng đơ buổi sáng, sưng khớp và thời gian đi bộ.
– Tác dụng kháng khuẩn của một số thành phần hoá học của nghệ đã được chứng minh. Chất curcumin có tác dụng ức chế in vitro sự phát triển của trực khuẩn lao ở nồng độ tối thiểu 25 ng/ml, ngoài ra còn có tác dụng ức chế Salmonella paratyphi ở 50 ng/ml, tụ cầu vàng ở 50 ng/ml. Tinh dầu nghệ ức chế trực khuẩn lao ở nồng độ 1 ng/ml, Bacillus mycoides và nấm Candida albicans ở nồng độ 1/160 và Bacillus subtilis ở nồng độ 1/250. Thành phần turmeron của tinh dầu nghệ ức chế in vitro các vi khuẩn và nấm, theo thứ tự hoạt tính giảm dần như sau: Bacilỉus subtilis, Candida albicans, Mycobactèrỉum tuberculosis, Shigella dysenteriae, s. Ịỉexneri, Diplococcus pneumoniae, Proteus vulgaris, Bacillus mycoides, Klebsiella sp. Salmonella typhi, Escherichia coli. Phân đoạn chứa aryl turmeron của tinh dầu nghệ ức chế Mycobacterium tuberculosis ở nồng độ tối thiểu 1 ng/ml và các vi khuẩn s. dysenteriae, B. mycoides, B. subtilis, p. vulgaris. Curcumin có tác dụng kháng virus và ức chế protease của HIV – 1 và HIV – 2. Chất artusrmeron từ tinh dầu và dịch chiết hexan từ lá nghệ diệt ấu trùng muỗi Aedes aegyptii.
– Viên Kim truật, bào chế từ nghệ và bạch truật, đã được dùng điều trị trên lâm sàng với kết quả làm giảm khá nhanh các cơn đau, làm giảm độ acid tự do dịch vị và các triệu chứng rối loạn tiêu hoá đều khỏi, nhưng chưa thấy rõ sự thay đổi hình ảnh chụp X quang của vết loét.
– Viên Hương nghệ gồm nghệ vàng, mai mực, hương phụ, cà độc dược đã được nghiên cứu tác dụng được lý và lâm sàng đối với viêm loét dạ dày. Trên thực nghiệm, thuốc có tác dụng giảm loét dạ dày trong mô hình gây loét do thất môn vị và giảm độ acid dịch vị, đồng thời có tác dụng an thần. Trên lâm sàng, thuốc làm hết đau thượng vị, hết ợ chua, ợ hơi, hết cơn đau về đêm. Thử tác dụng trên thỏ đã gây tăng cholesterol máu thực nghiệm, nước sắc nghệ đã làm giảm lượng cholesterol và lipid toàn phần trong máu một cách rõ rệt tỷ lệ beta/ alpha lipoprotein cũng giảm một cách có ý nghĩa so với đối chứng.
- Cao lỏng toàn phần của nghệ vàng cũng có tác dụng làm giảm cholesterol máu và giảm lipid toàn phần trong máu thỏ đã gây tăng cholesterol máu thực nghiệm.
- Cao dán nhọt bào chế từ nghệ và một số dược liệu khác điều trị cho 30 bệnh nhân bị mụn nhọt với tỷ lệ khỏi và đỡ là 84%, thời gian điều trị 3 – 9 ngày. Việc điều trị đơn giản, không phải rạch, trích, không cần dùng kháng sinh, bông băng.
– Nghệ còn có tác dụng làm giảm tỷ lệ dưỡng bào vỡ khi tiêm liều chết nọc rắn hổ mang cho chuột lang hoặc khi nhỏ dung dịch nọc rắn hổ mang lén màng treo ruột chuột lang. Tác dụng này giải thích việc chữa rắn cắn và chống dị ứng theo kinh nghiệm dân gian là đúng.
– Kem nghệ được điều trị cho thỏ đã gây bỏng thực nghiệm có kết quả tốt. Trong điều trị bỏng, kem nghệ có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, loại trừ tổ chức hoại tử bỏng, có tác dụng kích thích tái tạo tổ chức và liền sẹo. Nhưng hiện tượng kích thích tái tạo tăng sinh các tế bào tổ chức liên kết xuất hiện chậm và thời gian lành vết bỏng kéo dài.
– Nghệ phối hợp với một số dược liệu khác có tác dụng tăng cường tái tạo tổ chức ở vết loét cổ tử cung. Rễ củ nghệ phối hợp với một số dược liệu khác kết hợp với châm cứu điều trị viêm đại tràng cho 80 bệnh nhân đạt tỷ lệ khỏi là 7,5%, đỡ là 72,5%.
– Một bài thuốc có nghệ vàng và một số dược liệu khác đã được điều trị viêm gan siêu vi trùng. Có 20 bệnh nhân cấp tính đều khỏi cả về lâm sàng và xét nghiệm sinh hoá, và có 2 ca mạn tính đều không khỏi.
– Tinh dầu nghệ cất từ thân rễ khô có tác dụng sát trùng yếu. Nó là thuốc chống acid, với liều nhỏ thì gây trung tiện, dễ tiêu, làm ăn ngon và bổ; với liều cao, nó có tác dụng chống co thắt làm ức chế nhu động tăng quá mức của ruột. Tác dụng chống oxy hoá của bột nghệ có thể do tính chất phenolic của curcumin. Tác dụng lợi mật của tinh dầu là do thành phần p- tolylmethyl carbinol. Chất có màu là thuốc thông mật gây co túi mật.
– Muối Na của curcumin ức chế invitro sự phát triển của Micrococcus pyogenes var. aureus vối nồng độ 106. Thân rễ nghệ có tác dụng ức chế phát triển trên Eníamoeba histolytica và kích thích hệ thần kinh trung ương.
– Cao chiết với dầu hoả của nghệ cho chuột cống trắng uống hàng ngày với liều 100 và 200mg/kg từ ngày 1 đến ngày 7, đã có tác dụng ngừa thai với tỷ lê tương ứng 80% và 100%.
– Curcumin chiết từ nghệ cho uống liều 100mg/kg trong 6 ngày liên tục, đã gây loét dạ dày ở chuột cống trắng.
– Các chất đối kháng trên các hệ cảm thụ cholinergic, tryptaminergic và histaminergic bảo vệ một phần đối với loét dạ dày gây nên do curcumin còn việc điều trị với metiamid phòng ngừa hoàn toàn sự phát triển của tổn thương dạ dày do nghệ.
– Một chất tương tự curcumin chiết từ nghệ vàng, bản thân không có tác dụng trên gan, nhưng có vẻ như đã biến đổi trong gan thành một dẫn chất của aciđ cinnamic có tác dụng tăng tiết mật. Cao thân rễ nghệ có hoạt tính dự phòng mạnh chống tổn thương gan gây bởi carbon tetraclorid in vivo và in vitro. Cao được tách phân đoạn dựa trên thử hoạt tính bằng thử nghiệm in vitro gây độc hại tế bào với carbon tetraclorid và galactosamin trên các tế bào gan chuột cống trắng nuôi cấy nguyên phát. Curcuminoid có tác dụng chống độc hại gan. Tác dụng bảo vệ gan của một số chất tương tự acid ferulic và acid p. coumaric, có thể là những chất chuyển hoá của curcuminoid cũng được thủ nghiệm.
– Cao nghệ chiết với cloroform 10% dược áp dụng tại chỗ vào những vùng gây bệnh nấm tóc thực nghiệm ở bê. Nghệ đã có hiệu quả điều tri tốt và là thuốc chống nấm tốt đối với các bệnh nấm da.
– Curcumin với liều 125 mg/kg cho vào dạ dày chuột làm tăng lưu lượng mật và liều 250mg/kg làm tâng hàm lượng cholesterol và acid mật trong mật tiết ra. Một công trình tập hợp kết quả nghiên cứu của 15 nhóm tác giả cho thấy nghệ có các tác dụng: kháng khuẩn, kháng nấm, chống co thắt phế quản, kháng histamin, chống viêm, long đờm. Curcumin chiết từ nghệ có tác dạng ức chế sự tan hồng cầu gây bởi hydrogen peroxyđ ở những nồng độ thấp nhưng không ức chế ỏ những nồng độ cao.
– Curcumin cho chuột cống trắng ăn đã có tác dụng kích thích hoạt tính của men arylhydroxylase là men phụ thuộc vào cytochrom P450 của ty lạp thể gan, trong hệ thống men oxygenase của chóc phận hỗn hợp của gan. Curcumin chiết từ nghệ không có tác dụng làm tan tế bào trên bạch cầu đa nhân trung tính với nồng độ đã thử nghiệm.
– Tác dụng điều hoà sinh sản của nghệ đã được thử nghiệm dựa trên tác dụng oestrogen biểu thị ở sự sừng hoá âm đạo và tăng trọng lượng tử cung ở chuột cái thiến cả 2 buồng trứng. Chuột dược cho uống dịch chiết đông khô nghệ. Sự sừng hoá niêm mạc âm đạo được quan sát thấy ở 100% chuột. Nghệ chỉ gây tăng trọng lượng tử cung với liều cao, liều thấp gây giảm trọng lượng tử cung. Nghệ gây tăng số lượng hồng cầu, trị số hematocrit và hemoglobin. Nó gây tăng bạch cầu, với liều thấp, nhưng lại gây giảm bạch cầu với liều cao.
– Độc tính cấp và mạn tính của cao cồn nghệ cho uống trên chuột nhắt trắng được khảo sát với các liều cấp tính : 0,5- 1,0 và 3g/kg thể trọng hoặc liều mạn tính: 100mg/kg/ngày. Trong thí nghiệm này không thấy có tỷ lệ chết có ý nghĩa so với đối chứng. Sau thí nghiệm mạn tính, các chuột uống nghệ không tăng trọng lượng, có sự biến đổi có ý nghĩa về trọng lượng tim và phổi và giảm số lượng hồng cầu và bạch cầu. Trọng lượng các cơ quan sinh dục, sự vận động của tinh trùng và số lượng tinh trùng tăng ở chuột nhắt đực uống cao nghệ. Nghệ không có tác dụng độc hại với tinh trùng. Nghệ không có tác dụng gây đột biến và không gây ung thư.
– Một chất tương tự curcumin chiết tù nghệ vàng có hoạt tính chống oxy hoá mạnh đối với sự tự oxy hoá của aciđ linoleic trong một hệ nước – cồn. Nghệ ức chế tính chất gây đột biến của các chất ngưng tụ từ khói thuốc lá và dịch chiết thuốc lá.
Tính vị, công năng
- Thân rễ nghệ (khương hoàng) có vị cay đắng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng hành khí, phá huyết, thông kinh, chỉ thống, tiêu mủ lên da non.
- Rễ củ (uất kim) vị cay đắng, hơi ngọt, tính mát, có tác dụng hành khí, giải uất, lương huyết, phá ứ.
Công dụng
Thân rễ nghệ được dùng chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, ứ máu, vùng ngực bụng trướng đau tức, đau liên sườn dưới, khó thở, sau khi đẻ máu xấu không ra, kết hòn cục đau bụng, bị đòn, ngã tổn thương ứ máu, dạ dày viêm loét, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp, tay chân đau nhức, vàng da.
Ngày dùng 2 – 6 g dưới dạng bột hoặc thuốc sắc, chia 2 – 3 lần uống trong ngày.
- Dùng ngoài, nghệ tươi giã nhỏ vắt lấy nước để bôi ung nhọt, viêm tấy lở loét ngoài da, bôi lên các mụn mới khỏi để đỡ sẹo.
- Ngoài ra, còn dùng curcumin làm chất nhuộm màu để bao viên, có màu vàng chanh sáng đẹp, màu bền vững; nhuộm vàng thực phẩm, nhuộm len, tơ, nhuộm da, giấy.
Rễ củ nghệ chữa khí huyết uất trệ, bụng sườn đau, thổ huyết, ra máu cam, đái ra máu, điên cuồng và nhiệt bệnh hôn mê. Dùng ngoài, chữa vết thương làu lên da (giã giập bôi lên vết thương). Ngày dùng 2 – 10g dạng bột hoặc thuốc sắc.
Kiêng kỵ: Cơ thể suy nhược, không có ứ trệ không dùng. Phụ nữ có thai không nên dùng.
Ở Ấn Độ, nghệ được dùng làm chất nhuộm màu trong dược học, bánh kẹo và công nghệ thực phẩm. Trong y học Ấn Độ, nghệ được sử dụng làm chất dễ tiêu, bổ và lọc máu, chữa sốt rét, trộn với sữa nóng trị cảm lạnh. Nước ép nghệ tươi được dùng làm thuốc chống ký sinh trùng trong nhiều bệnh ngoài da. Dùng nghệ đắp ngoài, chữa những bệnh loét không đau. Dùng bột nhão làm từ bột thân rễ nghệ cùng với vôi để chữa đau khớp. Nước sắc thân rễ có tác dụng giảm đau trong viêm tấy có mủ. Cao nước thân rễ được dùng điều trị các bệnh về mật.
Trong y học Trung Quốc, nghệ được dùng làm thuốc kích thích, bổ, giảm đau, cầm máu và tăng cường chuyển hoá, được chỉ định trong loét dạ dày, chảy máu dạ dày do loét (phối hợp với các dược liệu khác), đái ra máu và các bệnh khác. Dùng ngoài dạng bột chữa vết thương, trĩ, viêm mủ da và bệnh nấm tóc. Mỗi lần uống 8 – 10 g dạng thuốc sắc và hãm. Dùng ngoài, dạng bột làm từ thân rễ phơi khô.
Ở Nepal, nghệ được dùng làm thuốc kích thích, bổ, làm trung tiện, lọc máu. Dùng ngoài, chữa bong gân và vết thương. Nước sắc thân rễ nghệ dùng trong viêm tấy có mủ. Nước ép tươi chữa giun sán và chống ký sinh trùng trong nhiều bệnh ngoài da. Nghệ cũng được dùng làm thuốc chống dị ứng.
Ở các nước Đông Nam Á, nghệ được coi là có tác dụng bổ dạ dày, gây trung tiện, cầm máu, chữa vàng da và bệnh gan khác. Dùng ngoài chữa ngứa, vết thương nhỏ, sâu bọ cắn, phát ban da, đậu mùa, và làm thuốc làm mưng mủ. Có tác dụng điều trị rối loạn kinh nguyệt, làm tăng tuần hoàn, làm tan cục máu đông, trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, đau bụng, ngực và lưng, tiêu chảy, thấp khớp, ho, lao phổi. Là thuốc chống co thắt, trị viêm lợi, có tác dụng diệt côn trùng, diệt nấm, diệt giun tròn. Ở Papua Niu Guinê, nghệ trị đau ở da, vết thâm tím, viêm xuất tiết và cảm sốt và làm gia vị.
Bài thuốc có nghệ:
Các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông:
- Chữa trúng phong bại liệt một bên: Cây nghệ, rau sam, dây bìm bìm, lá cây dậu gió, cây xương bồ, huyết giác, đều 12g; quế chi 20g; hồi hương, đinh hương đều 12g. Tất cả tán nhỏ, trộn với một bát rượu và một chén nước tiểu mà bóp.
- Chữa chứng trong bụng tích thành cục hoặc do đờm tích hay huyết tụ lại gây đau nhói: Củ nghệ, củ gấu đều bằng nhau, cam thảo một ít, tán bột làm viên. Dùng gừng 3 lát, tử tô 3 lá, muối 2g, sắc nước uống làm thang. Có thể uống thuốc với rượu lúc đói càng tốt.
- Chữa đái ra máu: Nghệ tán nhỏ 40g, hành trắng 1 nắm. sắc uống, chia 3 lần trong ngày.
- Chữa ra nhiều mồ hôi: Nghệ vàng, củ sữa bò, ngũ bội tử đều tán nhỏ, trộn với ít nước, rịt vào rốn.
- Chữa phụ nữ bị uất mà sinh điên cuồng, kinh giản: Nghệ 280g, phèn chua 120g, tán nhỏ viên với hồ, mỗi lần uống 12g với nước sôi.
- Chữa lở ngứa, ghẻ: Củ nghệ, hạt máu chó, hạt củ đậu, đều bằng nhau, diêm sinh một ít, tán nhỏ, hoà với mỡ lợn hay dầu vừng mà bôi.
- Chữa trĩ lở sưng đau: Nghệ, phèn xanh tán nhỏ, trộn với mật lợn và mỡ lợn mà bôi.
- Chữa sai khớp xương, bong gân: Củ nghệ, quế, hồi hương, đinh hương, vỏ sò, vỏ núc nác, gừng sống, lá canh châu, lá đau xương, mủ xương rồng bà, lá thầu dầu tía, lá náng, lá kim cang, lá mua, huyết giác, hạt chấp, hạt máu chó, lá bưởi bung, lá tầm gửi cây khế (nếu có sưng cơ thì bỏ lá đau xương, thêm giấm). Các vị trên giã, sao nóng mà chườm.
- Chữa huyết ứ, gây đau vùng tim: Củ nghệ đốt tồn tính tán bột, mỗi lần uống 4 g với giấm thanh đun sôi hay nước tiểu trẻ em làm thang.
Các bài thuốc khác:
Chữa viêm loét dạ dày tá tràng, đau vùng dạ dày, ợ hơi, ợ chua:
- Nghệ 10g, trần bì 12g, khổ sâm 12g, hương phụ 10g, bồ công anh 10g, ngải cứu 8g. Dùng dạng thuốc bột, ngày uống 10 – 20g, chia 2 lần.
- Nghệ 12g, đỗ đen sao 20g, sâm Bố Chính 12g, hoài sơn 12g, thổ phục linh 10g, trần bì 10g, mật ong hoặc đường 10g. Dạng thuốc hoàn, ngày uống 10 – 20g.
- Nghệ, mộc hương nam, mật ong, lá khôi. Tán bột, làm thành viên nén uống.
Chữa viêm gan, suy gan, vàng da:
- Nghệ 5g, bồ bồ 10g, chi tử 5g, râu ngô 5g, siro đơn hoặc tá được vừa đủ. Làm thành sirô hoặc cốm
- Nghệ 6 – 12g, nghệ đen, hương phụ, quả quất non, tán bột, trộn với mật ong làm viên uống.
- Nghệ 2 g, rau má 4 g, hoàng bá nam 3g, nhân trần hoặc bồ bồ 3g, sài hồ nam 2g, dành dành 2g, nhọ nồi 2g, hậu phác nam 2g. Nghệ, dành dành, hậu phác được tán bột mịn, các vị khác nấu cao nước. Làm viên hoàn, ngày uống 10g, chia 2 lần.
Phòng và chữa bệnh sau khi đẻ:
- Nghệ một củ, nướng, nhai ăn, uống với rượu hay đồng tiện.
- Nghệ đốt tồn tính, tán bột, uống 8g với giấm.
Chữa thổ huyết, máu cam: Nghệ tán nhỏ, ngày uống 4 – 6g, chiêu với nước.
Chữa đái ra máu hay đái buốt: Nghệ và hành sắc uống.
Chữa trĩ: Mài nghệ bôi vào.
Chữa viêm cơ, hoại tử của trĩ và của viêm tắc động mạch (cao gia truyền); Nghệ tươi lkg, lá phù dung tươi 100g, thiên niên kiện 30g, cốt toái bổ 30g. mai ba ba 30g, hồng đơn 20g, con rết 20g, long não 10g, sáp ong 50g, than tóc rối 20g, dầu thực vật (vừng, lạc) 1 lít.
Nghệ thái lát mỏng. Đun dầu sôi cho lá phù dung và nghệ vào đun sôi 1 giờ. Khi nghệ khô quắt thành màu nâu thì vớt ra, cho các vị thuốc trên (đã giã nhỏ). Đun tiếp một giờ nữa, vớt thuốc ra lọc, lại đun tiếp một giờ. Sau đó bắc nồi xuống khi còn nóng khoảng 60°c, cho long não và sáp ong, hồng đơn vào quấy đều. Để nguội đóng lọ sạch để dùng dần.
Bôi cao nghệ vào các búi trĩ và các chỗ hoại tử do viêm tắc động mạch, băng vô trùng.
Chữa chứng điên cuồng, tức bực lo sợ: Nghệ 250g, phèn chua 100g, tán nhỏ viên với hồ thành hạt ngô, uống mỗi lần 50 viên (có thể uống môi lần 4 – 8g, ngày 2 lần)
Chữa lên cơn suyễn khó thở: Nghệ tươi 100g, giã nát, hoà với đổng tiện, vắt lấy nước cốt uống
Kem nghệ bôi chữa bỏng: Cao nghệ 5ml, vaselin 43g, dầu lạc 20ml, Na borat 4g lanolin lg, nước cất 30ml, trộn đều (cao nghệ là cao chiết vói cồn 90° của bột nghệ)
Cao dán nhọt: Nghệ 60g, củ ráy 80g, dầu vừng 80g, nhựa thông 40g, sáp ong 40g. Củ ráy gọt sạch vỏ, cùng giã với nghệ cho thật nhỏ cho vào nấu nhừ với nhựa thông, dầu vừng và sáp ong. Lọc để nguội, phết lên giấy bản dán vào mụn nhọt.
Chữa sỏi mật làm mòn sỏi (Đàm đạo bài thạch thang): Nghệ 12g, kim tiền thảo 40g; mộc hương, nhân trần, chỉ xác, đại hoàng, mỗi vị 12g. sắc uống ngày một thang.
Chữa viêm gan virus cấp tính: Nghệ 12g; nhân trần, bồ công anh, rễ cỏ tranh, mỗi vị 40g; chi tử 16g, đại hoàng sao 12g, hoàng liên 8g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa viêm gan virus mạn tính (Thiên kim đại phúc thuỷ phương): Nghệ 4g; côn bố, đình lịch, mỗi vị 12g; kiên ngưu, hải tảo, mỗi vị 10g, quế tâm 6g. sắc uống ngày một thang.
Chữa kinh nguyệt không đều: Nghệ 8g; ích mẫu, kê huyết đằng, mỗi vị 16g; sinh địa 12g; xuyên khung, đào nhân, mỗi vị 8g. sắc uống.
Chữa đau kinh:
- Nghệ 12g, ích mẫu 20g; sinh địa, huyền sâm, mỗi vị 16g, địa cốt bì 12g; đào nhân, hương phụ, thanh bì, mỗi vị 8g. sắc uống trong ngày.
- Nghệ 8g, ích mẫu 16g; đào nhân, xuyên khung, ngưu tất, hương phụ, mỗi vị 8g. sắc uống trong ngày.
*Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam
Sản phẩm có thành phần Nghệ trên thị trường hiện nay
Khang vị Tuệ Linh
Sản phẩm Khang vị Tuệ Linh được kết hợp từ nhiều dược liệu quý đặc trị về bệnh dạ dày như Khôi, Dạ cẩm, Chè dây, Kim thất tai, Canxi san hô,…
Công dụng:
- Hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng như: ợ hơi, ợ chua, rối loạn tiêu hóa.
- Hỗ trợ giảm acid dịch vị, trào ngược dạ dày – thực quản, giảm cảm giác khó chịu, nóng rát ở thượng vị.
Sản phẩm Khang vị Tuệ Linh hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng
Trên đây là một số thông tin về hình ảnh, liều lượng công dụng của cây Nghệ. Nếu cần tư vấn và tìm hiểu thêm về cây Nghệ và các loại cây dược liệu khác bạn có thể liên hệ qua số tổng đài tư vấn 1800.1190 (miễn phí tư vấn) hoặc đặt câu hỏi của bạn ở mục ý kiến ở cuối bài viết, Tra cứu dược liệu sẽ giải đáp những thắc giúp bạn có thêm những thông tin đáng tin cậy.