Ốc sên
Tên tiếng Việt: Ốc sên
Tên khoa học: Achatina fulica Bowdich
Họ: Ốc sên Achatinidae
Công dụng: Hen suyễn, đau bụng kinh niên, thấp khớp.
Mô tả con vật
- Ở nước ta con ốc sống trên cạn thường gọi là ốc sên.
- Có hai loại chính: Loại Cyelophorus (vỏ nâu tròn, to, có nắp) thường thấy ở trên núi đá và loại Achatina fulica là loài ốc sên ta nói ở đây có vỏ to màu hơi vàng nâu, miệng không có vẩy. Loại này thường hay phá hoại cây cối, rau màu vào ban đêm. Ban ngày thường nó lẩn kín trong các khe, bụi cây, hốc cây hoặc chui xuống đất. Ngoài ra còn một số loại ốc sên nhỏ ít ai chú ý
Phân bố, thu nhặt và chế biến
- Ốc sên sống hoang dại, ăn hại hoa màu rau cỏ, đặc biệt vào mùa mưa phát triển rất nhanh. Trước đây người ta cho rằng ốc sên ăn độc, chết người. Nhưng từ năm 1961 nhân dân một số vùng ở Hải Phòng và Kiến An, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên bắt về nấu ăn chữa hen suyễn.
- Chưa thấy ai nuôi. Chỉ mới thấy có nơi thu mua chưa dùng hết đào hố cho ốc sên vào. Đậy bằng lưới mắt cáo cho ốc sên khỏi bò đi, thỉnh thoảng cho lá cây vào làm thức ăn cho ốc sên. Mùa có thể thu mua nhiều là vào mùa mưa.
Thành phần hóa học
- Năm 1968, bệnh viện thần kinh có yêu cầu Viện kiểm nghiệm nghiên cứu thành phần nước ốc sên thủy phân kết quả cho thấy có 0,48% nitơ toàn phần, 0.112% nitơ amin với những axit amin như leuxin, alanin, valin, axit aspactic, axit glutamic, nor-leuxin. Theo những nghiên cứu cũ, người ta cho rằng sở dĩ có những trường hợp ngộ độc do ốc sên chính là do ốc sên ăn cỏ cây nấm độc. Còn bản thân ốc sên không có độc. Do đó nếu chỉ ăn phần thịt của ốc sên còn bỏ hết phần ruột gan, ống tiêu hóa của ốc sên đi thì không có hiện tượng ngộ độc do ăn ốc sên.
- Trong loài ốc sên Helix pomatia hay loài Helix aspersa hoặc Helix vermiculata thường phá hoại cây nho ở miền Nam nước Pháp (nhưng được nhân dân Pháp coi là một món ăn quý, có tác dụng chữa bệnh phổi), người ta thấy hoạt chất là một chất nhớt, hoặc có tác giả cho rằng đó là chất helixin với thành phần sunfua trong phân tử.
Công dụng và liều dùng
- Một số vùng ở nước ta nhân dân ta dùng ốc sên nấu ăn chữa hen suyễn, đau bụng kinh niên, thấp khớp: ốc sên bắt về đập bỏ vỏ, lấy phần lưỡi ốc, còn bỏ hết ruột, mổ đầu ốc, bỏ dạ dày, thực quản rồi dùng muối và phèn chua rửa sạch hết nhớt. Nấu ăn như nấu ốc. Ăn liền trong 7-10 ngày. Có thể kéo dài hàng tháng.
- Năm 1968, bệnh viện thần kinh Hà Nội theo kinh nghiệm của nước ngoài dùng loài ốc sên Helix pomatia chế thành xirô, bột ốc sên, kẹo gôm sên; dùng làm thuốc bồi dưỡng cơ thể với công thức như sau: Thịt ốc sên 2 kg, Natri bicabonat 25 g, Axit benzoic 5 g, Đậu nành hay hoài sơn 1,2 kg, Đường kính 1,5 kg, Mentol 0,06 g.
- Ốc sên bắt về đập bỏ vỏ, lấy phần ốc bỏ hết ruột, mổ đầu ốc, bỏ dạ dày, thực quản rồi dùng muối và phèn chua rửa sạch hết nhớt như nhân dân ta vẫn làm. Sau đó cho thịt ốc sên và natri bicabonat hấp cho nhừ, thải và giã nhỏ. Cho thêm axit benzoic vào để bảo quản và thêm đường vào nấu cho kỹ. Đậu nành hay hoài sơn rang giòn tán thành bột, rây mịn trộn với thịt ốc sên đã nấu. Dùng dầu parafin để viên cho đỡ dính, mỗi viên 4g. Sấy ở nhiệt độ 50-60°C tới khô. Bỏ vào lọ chống ẩm. Đặt tên là viên BOS (bổ ốc sên). Dùng với liều 4 viên một ngày, uống trước lúc ăn cơm. Là thuốc bổ tăng cường chất đạm cho cơ thể và não. Mỗi đợt dùng liền từ 20-40 ngày (Trần Kim Hiếu và Trần Đình Xiêm – bệnh viện tinh thần Hà Nội) đã theo dõi trên nhiều bệnh nhân, bệnh nhân lên cân rất nhanh.