Phèn đen
Tên tiếng Việt: Phèn đen, Tạo phàn diệp, Chè nộc, Chè con chim, Co ranh (Thái), Mạy tẻng đăm (Tày)
Tên khoa học: Phyllanthus reticulatus Poir.
Họ: Euphorbiaceae (Thầu dầu)
Công dụng: Đau nhức trong xương, tụ huyết, sởi, sốt (Rễ lá sắc uống). Rắn cắn.
Mô tả cây
Cây bụi, cành gầy mảnh, đen nhạt, đôi khi họp từng 2 đến 3 cành trên cùng một đốt, dài 10-20cm. Lá có hình dạng thay đổi, hình trái xoan, hình bầu dục hay hình trứng ngược nhọn hay tù ở hai đầu, phiến lá rất mỏng, dài 1,5- 3cm, rộng 6-12mm, mặt trên màu sẫm hơn mặt dưới. Lá kèm hình tam giác hẹp. Cụm hoa hình chùm ở nách lá, gồm 3-4 hoa đực và cái. Quả hình cầu màu đen, dài 5mm, rộng 3mm. Hạt hình ba cạnh, màu nâu nhạt, có những đốm rất nhỏ.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Rất phổ biến ở khắp nước ta. Còn thấy ở nhiều nước vùng Đông Á. Ở Nhật Bản cũng có mọc. Thường mọc hoang dại, nhưng cũng có nơi trồng để làm thuốc hay để nhuộm.
- Người ta dùng vỏ thân tươi hay phơi khô. Lá cũng được sử dụng tươi hay khô.
Thành phần hóa học
- Rễ phèn đen chứa octacosanol, taraxeryl acetat, friedelin, epifriedelinol, taraxeron, botulin, các flavonoid.
- Lá chứa flavonoid , tanin, triterpenoid, sterol và các chất khác.
Tác dụng dược lý
Phèn đen có tác dụng kháng khuẩn in vitro với E.coli, S.flexneri, B.subtilis. Cao phèn đen, được biệt là cao nước của lá có hoạt tính kháng Plasmodium falciparum in vitro, có tác dụng ức chế co thắt cơ trơn ruột.
Flavonoid toàn phần của phèn đen có tác dụng ức chế hoạt động của men polyphenol-oxydase huyết thanh người in vitro một cách rõ rệt, ngay cả với nồng độ thấp 0,017%. Mức độ ức chế men tăng theo nồng độ. Ta biết rằng hoạt tính của men polyphenoloxydase huyết thanh người tăng rõ rệt khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn, trong các trạng thái viêm cấp tính, trong các bệnh bạch cầu, xơ gan, tăng năng tuyến giáp. Các flavonoid cũng ức chế khá mạnh men catalase in vitro trên huyết thanh người bình thường, mức độ tăng theo cùng nồng độ.
Đã áp dụng trên lâm sàng một cao lỏng bào chế từ 4 dược liệu: lá cây phèn đen, sim rừng, ngũ bội tử, xạ can để làm thuốc cầm máu dùng tại chỗ cho 100 ca cắt amidan.Thuốc đã có tác dụng cầm máu khá nhanh khi chấm quả cầu bông vào hốc amidan mới được bóc tách khỏi vị trí. Chỉ cần chấm bông thuốc 2 lần là hốc amidan rất sạch, trong khi dùng nước oxy già đến 4-5 lần. Ở bề mặt mới bóc tách, tổ chức liên kết săn lại, ngả màu sẫm khô ráo, không chảy máu tái phát.
Tính vị, công năng
Phèn đen vị chát, tính mát, có tác dụng làm mát, cầm máu, thu sáp và giảm đau, sát khuẩn, giải độc.
Công dụng và liều dùng
- Vỏ thân có màu nâu sẫm ở phía ngoài, nâu đỏ ở mặt trong, có vị nhạt và chát, thường được dùng chữa lên đậu và tiểu tiện khó khăn, có mủ. Mỗi ngày dùng 20-40g dưới dạng thuốc sắc, chia làm hai hay ba lần uống trong ngày. Dùng ngoài rửa không kể liều lượng.
- Lá phơi khô chế thành viên dùng riêng hay phối hợp với ít lá long não, xuyên tiêu ngậm chữa chảy máu chân răng. Người ta còn dùng bột lá rắc lên vết thương, vết loét cho chóng lành và chóng lên da non.
- Lá tươi còn dùng chữa rắn độc cắn, nhai nát nuốt nước, bã đắp lên nơi rắn cắn.
Bài thuốc có phèn đen
Chữa lỵ cấp tính
- Rễ phèn đen, rễ sao gà mỗi vị 20g; vỏ rụt 10g. Sao đen, sắc đặc uống ngày một thang.
- Rễ phèn đen, dây mơ lông, rễ seo gà, rễ cỏ tranh, mỗi vị 20g; gừng 2g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa lỵ, tiêu chảy
- Rễ phèn đen 20g, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng rồi hạ thổ trong 15 phút; vỏ quả lựu 20g cắt nhỏ sao vàng. Hai vị sắc chung uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 3-5 ngày.
- Lá phèn đen tươi 20g, rửa sạch, giã nát, thêm nước đun sôi để nguội lọc; ý dĩ 20g, mạch nha, cam thảo nam, mỗi vị 12g. Ba vị phơi khô, rang vàng, tán bột. Chiêu bột này với nước phèn đen làm 2-3 lần trong ngày.
Chữa bị đòn máu ứ ở trong nguy cấp
Lá phèn đen giã nhỏ, chế rượu vào vắt lấy nước uống. Hoặc dùng 40g sắc rồi chế thêm chén rượu uống.
Chữa nhọt độc mới phát
Lá phèn đen, lá bèo ván, giã nát đắp
Thuốc cầm máu dùng tại chỗ khi cắt amidan
- Lá cây phèn đen 300g, sim rừng (quả non và lá non) 500g, ngũ bội tử 100g, xạ can 50g. Sắc với nước rồi cô lại thành cao lỏng 1:1. Cho thêm cồn và acid benzoic để bảo quản. Đóng chai, hấp tiệt trùng 100 độ C trong 30 phút.
- Tẩm thuốc vào quả bông cầu và chấm hốc amidan mới bóc tách khoảng 2-3 lần.