Qua lâu nhân
Tên tiếng Việt: Hạt thảo ca, qua lâu, quát lâu nhân
Tên khoa học : Trichosanthes spp.
Thuộc họ: Bí – Cucurbitaceae
Công dụng: Chữa đại tiện táo kết, thổ huyết, chữa ho, chữa ho, thổ huyết, sốt nóng, khát nước.
Hình ảnh Cây qua lâu nhân
- Tên khác: hạt thảo ca, qua lâu, quát lâu nhân Tên khoa học : Trichosanthes sp.
- Thuộc họ: Bí – Cucurbitaceae.
- Qua lâu nhân, qua lâu (Semen Trichosanthis) là hạt phơi hay sấy khô của nhiều loài Trichosanthes như Trichosanthes kirilowii Maxim., Trichosanthes multiloba Miq. v.v…đều thuộc cùng một họ Bí Cucurbitaceae.
- Ngoài vị qua lâu nhân, cây qua lâu hay thảo ca còn cho các vị thuốc khác sau đây:
- 1. Qua lâu bì Pericarpium Trichosanthis là vỏ quả phơi hay sấy khô.
- 2. Thiên hoa phấn hay qua lâu căn (Radix Trichosanthes) là rễ phơi hay sấy khô của cây thảo ca hay qua lâu.
Mô tả cây
Cây qua lâu hay thảo ca (tên cây ở tỉnh Cao Bằng) là một loại dây leo. Lá mọc so le, phiến lá xẻ thành nhiều thuỳ trông như lá cây bí ngô. Hoa đơn tính, màu trắng. Quả to bằng quả dưa gang, dài 8-10cm, đường kính 5-7cm, da quả màu xanh, có vằn trắng dọc theo quả. Khi chín, vỏ có màu đỏ, bổ lấy hạt, phơi khô. Trong một quả có rất nhiều hạt, hình trứng dẹt, dài 1,2- l,5cm, rộng 6-10cm dày ước 4mm, mặt ngoài màu nâu nhạt, ở đầu nhọn có một tễ là một vết lõm trắng. Quanh mép có dìa chừng 1mm. Nhìn qua kính lúp, mặt hạt có vết răn. Bóc vỏ cứng ở ngoài sẽ thấy lớp vỏ mỏng màu xanh. Vị nhạt không mùi.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Hiện nay ta mới phát hiện và thu mua ở Cao Bằng.
- Mùa thu hoạch hạt (qua lâu nhân) từ tháng 6 đến tháng 9. Vỏ quả phơi khô cho vị thuốc gọi là qua lâu bì.
- Muốn có thiên hoa phấn, sau khi thu hoạch hạt ít lâu (vào mùa thu hay mùa xuân) người ta đào rễ, rửa sạch đất cát, cạo bỏ vỏ ngoài, cắt thành từng đoạn ngắn, bổ dọc, phơi khô, rồi xông diêm sinh để bảo quản. Rễ thu hoạch vào mùa thu là tốt nhất.
- Những nơi người ta trồng để chế thiên hoa phấn, thì khi cây ra hoa, người ta ngắt bỏ hết hoa không cho cây kết quả, do đó rễ mập hơn và nhiều bột hơn.
Thành phần hóa học
- Trong hạt (qua lâu nhân) có chừng 25-26% chất dầu, trong đó axit không no chiếm tới 66,5%, axit béo no chiếm chừng 30%. Các chất khác chưa rõ.
- Trong rễ (thiên hoa phấn) có rất nhiều tinh bột. Mới đây Viện y học Bắc Kinh nghiên cứu trong thiên hoa phấn thấy có chừng 1% chất saponozit. Vỏ quả (qua lâu bì) chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.
Công dụng và liều dùng
- Qua lâu nhân, qua lâu bì và thiên hoa phấn đều còn là những vị thuốc dùng trong phạm vi nhân dân.
- Theo tài liệu cổ qua lâu vị ngọt tính hàn; thiên hoa phấn vị ngọt, chua, tính hàn, vào 3 kinh phế, vị và đại tràng. Qua lâu có tác dụng thanh nhiệt, hoá đờm, nhuận phế, trị ho, lợi yết hầu, nhuận tràng. Qua lâu nhân nhuận táo, hoạt trường. Thiên hoa phấn sinh tân, chỉ khát, giáng hoả nhuận táo, bài nùng tiêu thũng. Qua lâu dùng chữa phế nhiệt sinh ho, yết hầu sưng đau, đại tiện táo kết. Qua lâu nhân chữa táo bón. Thiên hoa phấn chữa tiêu khát, sưng vú, trĩ lòi dom.
- Hiện nay, qua lâu bì được dùng chữa ho, thổ huyết, sốt nóng, khát nước. Còn dùng chữa thuỷ thũng, hoàng đản.
- Qua lâu nhân chữa đại tiện táo kết, thổ huyết, chữa ho.
- Thiên hoa phấn chữa sốt nóng, hoàng đản (người vàng), miệng khô, hơi ngắn.
- Liều dùng hằng ngày: thiên hoa phấn 8-16g. Qua lâu nhân 12-16g dưới dạng thuốc sắc.
Đơn thuốc kinh nghiệm có thiên hoa phấn:
- Người đen sạm: Thiên hoa phấn 16g, giã nhỏ, thêm nước đun sôi để nguội, lọc lấy nước uống. Uống luôn trong vài ngày.
- Trẻ con bị vàng người: Thiên hoa phấn 10g, giã nhỏ, cho thêm nước đun sôi để nguội, gạn lấy nước uống. Có thể thêm ít mật ong vào cho dễ uống hơn.
Đơn thuốc chữa phụ nữ đẻ sữa không xuống:
- Thiên hoa phấn thiêu tồn tính, tán nhỏ. Ngày uống 16 đến 20g.
- Chữa viêm cổ họng mất tiếng:
- Qua lâu bì 10g, bạch cương tàm 10g, cam thảo 10g, gừng tươi 4g, nước 500ml. Sắc còn 150ml. Chia 2 lần uống trong ngày.