Quỳnh
Tên tiếng Việt: Quỳnh, Hoa quỳnh
Tên khoa học: Epiphyllum oxypetalum (DC.) Haw.
Tên đồng nghĩa: Cereus oxypetalus DC.
Họ: Cactaceae (Xương rồng)
Công dụng: Làm mát phổi; chữa lao phổi, ho ra máu, hen, xuất huyết tử cung, viêm hầu họng (Hoa hấp mật ong uống). Thân tươi giã đắp chữa đinh nhọt. Toàn cây chữa đòn ngã tổn thương, đau tâm vị, phổi kết.
Mô tả
- Cây bụi mọng nước mọc đứng, có thân cứng cao 2-3m, các nhánh dẹp, mỏng, khía tai bèo. Hoa to, màu trắng, dài 30cm, mọc thòng xuống, mùi thơm. Phiến hoa nhiều, xếp theo đường xoắn ốc, các phiến trong màu trắng, nhị xếp hai dãy, màu trắng, vòi và đầu nhuỵ màu trắng.
- Hoa vào tháng 6-8.
Bộ phận dùng
Hoa và thân – Flos et Caulis Epiphylli Oxypetali.
Nơi sống và thu hái
Gốc ở Trung và Nam Mỹ (Mêhicô đến Brazin), được trồng chủ yếu làm cảnh, có hoa đẹp và nở về đêm. Thu hái hoa khi nở, dùng tươi hoặc phơi khô. Thu hái thân quanh năm, dùng tươi.
Tính vị, tác dụng
Hoa có vị ngọt, tính bình; có tác dụng tiêu viêm, cầm máu. Thân có vị chua và mặn, tính mát;, có tác dụng tiêu viêm. Toàn cây có tác dụng thanh phế, trừ ho, hoá đàm.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
- Hoa thường được dùng chữa: Lao phổi với ho ra máu; Tử cung xuất huyết; Viêm hầu. Dùng 3-5 hoa, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị đinh nhọt, giã thân và đắp lên chỗ đau.
- Ở Vân Nam (Trung Quốc) toàn cây được dùng trị đòn ngã tổn thương, đau tâm vị (tâm vị khí thống), thổ huyết, phổi kết hạch.
Đơn thuốc
- Lao phổi với ho, ho ra máu: Hoa Quỳnh 3-5 hoa, đường 15g, sắc uống.
- Tử cung xuất huyết: Hoa Quỳnh 2-3 cái, nấu với thịt lợn chưng cách thủy làm thức ăn.