Ráng bay
Tên tiếng Việt: Ráng bay, Thu mùn lá sổ
Tên khoa học: Drynaria quercifolia (L.) J.Sm.
Họ: Polypodiaceae (Dương xỉ)
Công dụng: Ráng bay được dùng chữa thận hư, đau mình mẩy, bong gân tụ máu, ù tai, đau răng, thấp khớp.
Mô tả
Cây có thể cao hơn 1m, sống lâu năm. Thân rễ to, dày, mọc bò, phủ vảy màu hung, hình chỉ kéo dài thành roi hẹp, mép nham nhở không đều, có lông nhọn dài. Lá có hai loại : lá gốc cứng, phủ kín thân rễ, dài 25 – 30 cm, rộng 7-15 cm, không cuống, xẻ thuỳ nhọn, màu nâu, có tác dụng hứng mùn; lá sinh sản có cuống dài, màu vàng hơi xám, đôi khi có cánh, phiến lá dai, nhẵn, dài 0,6 – 1 m. Rộng 30 – 40 cm, chẻ lông chim sâu thành nhiều thuỳ nguyên, không đều hình ngọn giáo – xiên, hướng lên, đầu nhọn, rộng 3-4 cm, gân bên rõ.
Túi bào tử hình tròn, không có áo túi, xếp thành hai hàng dọc theo các gân bên; bào tử hình trái xoan, màu vàng nhạt.
Phân bố, sinh thái
Ráng bay phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, bao gồm các nưổc Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Ở Việt Nam, ráng bay chỉ thấy ở các tỉnh phía nam, từ Phú Yên, Tây Nguyên đến đảo Phú Quốc. Cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc phụ sinh trên thân cây gỗ hay trên đá; sinh trưởng phát triển mạnh vào mùa mưa ẩm; tái sinh tự nhiên bằng bào tử, phát tán nhờ gió. Cây có khả năng mọc chồi nhiều từ thân rễ, nên thường phát triển thành những mảng lớn, khó phân biệt từng cá thể, phủ kín một tảng đá hay cành và thân cây gỗ lớn.
Nguồn ráng bay ở các tỉnh phía nam khá phong phú. Cây được khai thác chính thức từ năm 1977.
Bộ phận dùng
Thân rễ, thu hái quanh năm, phơi khô.
Tác dụng dược lý
Theo tài liệu nước ngoài, cao nước chiết từ ráng bay có tác đụng kháng khuẩn. Thân rễ ráng bay có tác dụng gây săn se.
Tính vị, công năng
Ráng bay có vị đắng, tính ôn, có tác dụng bổ thận, cường cốt, hoạt huyết, chỉ thống, tiêu viêm.
Công dụng
Ráng bay được dùng chữa thận hư, đau mình mẩy, bong gân tụ máu, ù tai, đau răng, thấp khớp. Mỗi ngày dùng 6 – 12g sắc với 200 ml nước còn 50 ml, chia làm 2 lần uống trong ngày. Dùng riêng hoặc phối hợp với rễ, thân, lá cây thanh thiên (lưu ký nô) với liều lượng bằng nhau. Dùng ngoài, bột ráng bay xát vào lợi chữa chảy máu chân răng. Viện Quân y 6 (Tây Bắc) đã lấy thân rễ giã nát, đắp vào vết đau, băng lại, điều trị có kết quả nhiều trường hợp bong gân, tụ máu. Ở Malaysia, lá ráng bay đắp ngoài chữa sưng tấy. Ở Philippin, nước sắc loãng từ thân rễ, chữa nôn ra máu, nước sắc đặc chữa bệnh giun sán.
Bài thuốc có ráng bay
- Chữa thấp khớp, làm khí huyết lưu thông: Ráng bay 12g, lưu ký nô 12g, cây dâu 12g, rễ nhàu 12g, thổ phục linh 12g, ngũ gia bì 12g, quế chi 10g, gắm đen 10g, thiên niên kiện 10g, đỗ trọng dây 8g. Tất cả tán nhỏ, làm thành viên. Mỗi lần uống 3g, ngày 3 lần (kinh nghiệm ở tỉnh An Giang).
- Chữa giảm bạch cầu: Ráng bay 15g, đương quy 15g, hổ trượng 8g, thục địa 30g. Sắc nước uống (Trung dược từ hải – Trung Quốc).
Nguồn : Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam .