Rau khúc nếp
Tên tiếng Việt: Rau khúc nếp
Tên khoa học: Gnaphalium affine G. Don
Tên đồng nghĩa: Gnaphalium multiceps Wall.
Họ: Cúc (Asteraceae)
Công dụng: Chữa cảm sốt, ho, viêm họng, viêm khí quản mạn tính, hen suyễn có dờm, phong thấp tê đau, huyết áp cao.
Mô tả
Cây cỏ, sống hàng năm, cao 20 – 30 cm. Thân mọc đứng thành cụm, phủ lông trắng như len. Lá mọc so le, hình bầu dục – mũi mác, gốc thuôn, đầu tù hơi có mũi nhọn, dài 4 – 6 cm, rộng 0,5 – 0,8 cm, hai mặt có lông len, dày hơn ở mặt dưới, chỉ gân giữa rõ.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành ngù kép, gồm nhiều đầu màu vàng; lá bấc hình bầu dục – thuôn từ ngoài vào trong, có lông len ở lưng; đầu mang hoa cái và hoa lưỡng tính; mào lông màu trắng bẩn, sớm rụng; tràng của hoa cái mảnh, 3 thuỳ, tràng hoa lưỡng tính hình trụ, loe ở họng, 5 thuỳ; nhị 5, bao phấn có tai.
Quả bế hình trứng – thuôn, rải rác có hạch nhỏ. Mùa hoa quả : tháng 3-5.
Phân bố, sinh thái
Các loài thuộc chi Gnaphalium L. đều là cây thảo phân bố rải rác khắp thế giới; tập trung nhiều nhât ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới. Ở Ấn Độ có 9 loài; Trung Quốc có hơn 10 loài và Việt Nam 5 loài. Loài rau khúc nếp phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Mianma, Nhật Bản…
Ở Việt Nam, rau khúc nếp phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía bắc từ Hà Tĩnh trở ra, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du như Ninh Bình, Hà Nam, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng… Cây thường mọc lẫn trong ruộng trồng hoa màu vụ đông xuân, hay trên ruộng cao sau khi đã gặt lúa vụ mùa. Rau khúc nếp còn thấy, ở các bãi sông, ruộng vùng núi sau khi đã cạn nước… Cây ưa sáng và khí hậu ẩm mát, thường gặp trong thời kỳ có nền nhiệt độ thấp nhất trong năm. Cây ra hoa quả nhiều; sau khi quả già, toàn cây tàn lụi vào mùa hè – thu, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.
Cách trồng
Ngoài việc khai thác hoang dại, rau khúc nếp còn được trồng để chủ động nguyên liệu, nhất là trong tình hình thâm canh hiện nấy không còn ruộng một vụ, ruộng trồng màu cũng luôn được xới xáo, làm cỏ, nơi mọc hoang ưa thích của rau khúc nếp bị thu hẹp. Rau khúc nếp được gieo trồng bằng hạt. Hạt có sức sống khỏe, khi rụng xuống đất một năm sau vẫn nảy mầm. Thời vụ gieo vào cuối đông hay đầu xuân. Đất gieo tốt nhất là đất trồng rau, màu, được cày bừa, lên luống hoặc để nguyên cả ruộng rồi gieo vãi hạt. Cây không cần chăm sóc nhiều, chỉ tưới khi quá khô hạn. Nếu có điều kiện, nên dùng nước phân, nưóc giải hoặc đạm pha loãng tưới thúc 3-4 lần, mỗi tuần tưới một lần. Sau 1-1,5 tháng, thu lá non làm bánh. Để làm thuốc, có thể hái cả lá già, lá bánh tẻ (thường ngắt cả ngọn), dùng tươi hoặc phơi khô.
Bộ phận dùng
Toàn cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi, khô.
Thành phần hóa học : Toàn cây rau khúc nếp chứa flavonoid 5% , tinh dầu 0,05%,
Alcaloid vết , sterol vết chất không xà phòng hóa 0,58%, các vitamin B, C , caroten , chất diệp lục , chất nhựa , dầu béo .Ngoài ra , còn có lutcoloin -4’- β –D – glucosid , stigmasterol , gnaphalin , 2’, 4, 4’- trihydroxy – 6’-methoxychalcon -4’ – β – D – glucosid , stigmasterol, gnaphalin , 2, 4, 4’- trihydroxy-6’ – methoxychalcon – 4’ – β – D – glucopyranosid ( Trung dược từ hải III, 1218; Võ Văn Chi,1997 )
Theo Tachibana Kenji và cs, 1995, rau khúc nếp chứa scopoletin : 4, 2’, 4’ – trihydroxy – 6 ‘ – methoxy chalcon -4’ – O – β – glucosid, quercetin và luteolin ( CA124 :106.185h) .Các chất nói trên đều có tác dụng ức chế ngưng tiểu cầu .
Tác dụng dược lý
- Tác dụng giảm ho: Nước sắc rau khúc nếp liều tính ra dược liệu khô là 4g/kg cho chuột nhắt trắng có tác dụng giảm ho.
- Tác dụng kháng khuẩn: Dùng phương pháp đục lỗ trên môi trường thạch, nước sắc 1: 1 (1g rau khúc nếp khô sắc rồi cô còn 1 ml dịch) có tác dụng ức chế Staphyỉococcus aureus và trực khuẩn lỵ Shigella.
Tính vị, công năng
Rau khúc nếp có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, vào kinh phế, tỳ, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, thư phế, tiêu đờm, chi khái, khu phong hàn, điều kinh và hạ huyết áp.
Công dụng
Trong nhân dân, rau khúc nếp thuờng được dùng đồ với gạo nếp làm bánh khúc. Lá cũng có thể làm rau ăn. Về mặt thuốc, rau khúc nếp chữa cảm sốt, ho, viêm họng, viêm khí quản mạn tính, hen suyễn có đờm, phong thấp tê đau, huyết áp cao. Liều dùng: 15 – 30g, sắc uống hoặc hãm uống. Có thể thái nhỏ, trộn với ít đường, hấp cơm uống.
Dùng ngoài, lá tươi rửa sạch, giã nát, đắp chữa chấn thương bầm giập, vết chém hoặc rắn cắn.
Bài thuốc có rau khúc nếp
- Chữa cảm sốt, ho, viêm họng: Rau khúc nếp khô 30g, gừng, hành, mỗi vị 10g, sắc uống.
- Chữa viêm khí, phế quản mạn tính, hen suyễn có đờm: Rau khúc nếp 15g, khoản đông hoa hoặc tỳ bà diệp 15g, hạt mơ 10g. Tất cả sắc uống.
Nguồn : Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam