Rau mác
Tên tiếng Việt: Rau mác, Từ cô
Tên khoa học: Sagittaria sagittifolia L.
Họ: Alismataceae (Trạch tả)
Công dụng: Củ dùng làm thuốc bổ dưỡng, cường tráng và cũng dùng làm thuốc cầm máu. chữa sản hậu chóng mặt, đau nhói trong tim, cũng dùng chữa bệnh lậu có sỏi, chữa ho, ho ra máu nhưng uống nhiều có độc.
Mô tả
Cây thảo sống nhiều năm, có thân nằm dưới đất, ở đầu phình thành củ. Lá hình mũi mác, có 3 thuỳ nhọn, cuống lá dài. Cán hoa mọc đứng, trần dài 20-90cm, mang hoa từ nửa trên. Hoa trắng, khá to, tập hợp thành chùm đứt đoạn, xếp đối nhau hoặc thành 3 cái một. Quả bế dẹp.
Bộ phận dùng
Toàn cây – Herba Sagittariae Sagittifoliae.
Nơi sống và thu hái
Loài cây của các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Ở Việt Nam, rau mác mọc ở đầm lầy, ruộng lầy, ao đầm và những nơi có bùn. Thu hái cây vào mùa hè, rửa sạch phơi khô.
Tính vị, tác dụng
Vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có ít độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ thấp, giảm đau.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
- Lá non và cuống lá thường được làm rau luộc, xào hay nấu canh ăn. Củ rau mác thu hoạch vào mùa đông, dùng để nấu hay luộc ăn. Củ dùng làm thuốc bổ dưỡng, cường tráng và cũng dùng làm thuốc cầm máu. Chuyên dùng chữa sản hậu chóng mặt, đau nhói trong tim, cũng dùng chữa bệnh lậu có sỏi, chữa ho, ho ra máu nhưng uống nhiều thì có độc. Hoa làm sáng mắt, trừ chứng thấp, đinh độc, trĩ, lậu. Lá dùng chữa thũng độc lâu ngày, trẻ em nổi đơn độc, mụt lở và hôi nách (giã nát đắp vào).
- Ở Trung Quốc người ta còn dùng trị sản dịch, an thai và bệnh ngoài da, rắn cắn ong đốt, các loại mụn nhọt lở ngứa, cảm nắng.