Râu rồng
Tên gọi khác: Thạch tùng vảy, thạch tùng thân gập
Tên khoa học: Huperzia squarrosa (Forst.) Trevis
Tên đồng nghĩa: Lycopodium squarrosium Forst.
Họ: Thông đất (Lycopodiaceae)
Công dụng: Theo kinh nghiệm dân gian, toàn cây râu rồng được dùng trị ngoại thương xuất huyết, và cũng có thể dùng trị đòn ngã tổn thương.
Mô tả
- Quyết thực vật sống phụ sinh hay bì sinh. Thân hình trụ, mập, mọc đứng ở phần gốc, sau buông thông, dài 50 – 60 cm, phân làm hai nhánh (lưỡng phân).
- Lá hình dải hẹp, không cuống, mọc thành hình xoắn ốc toả đều, nhỏ và ngắn hơn ở ngọn.
- Bộ phận sinh sản ở ngọn thân thành bông không phân nhánh, dài khoảng 10 cm. Lá bào tử giống lá thật, nhưng ngắn hơn hai lần, thắng, nhọn, hơi phình ở gốc. Túi bào tử hình thận, có hai mảnh vỏ bằng nhau.
Phân bố, sinh thái
Râu rồng mới chỉ thấy rải rác ở một số tỉnh miền núi như: Hà Giang (Quản Bạ: Thái An, Quyết Tiến); Lai Châu (Than Uyen: Hố Mít); Lào Cai (Sa Pa: Tả Van); Hoà Bình (Mai Châu), Thừa Thiên – Huế (Bạch Mã); Khánh Hoà (Khánh Vĩnh); Lâm Đồng (Lạc Dương)… Trên thế giới, có ở Trung Quốc và Lào.
Râu rồng là cây ưa ẩm, ưa bóng, thích nghi với điều kiện khí hậu mát và ẩm ở vùng núi. Cây thường bám trên vách đá hoặc trên thân, cành những cây gỗ lớn trong rừng kín thường xanh ẩm còn nguyên sinh hay tương đối nguyên sinh. Cây sinh sản bằng bào tử.
Bộ phận dùng:
Toàn cây, dùng tươi hoặc khô.
Tính vị, công năng
Râu rồng có vị hơi đắng, tính bình, có tác dụng cầm máu.
Công dụng
Theo kinh nghiệm dân gian, toàn cây râu rồng được dùng trị ngoại thương xuất huyết, và cũng có thể dùng trị đòn ngã tổn thương.
- Ở Vân Nam (Trung Quốc) nhân dân đi phương dùng toàn cây trị đau dây thần kinh hông và đau lưng do phong thấp [Võ Văn Chi, 1997:979].
- Ở Nepal, toàn cây râu rồng được dùng giã đắp trị đau lưng (Manandhar N.P., 1994).