10 November 2022

0 bình luận

Sơn cúc hai hoa

10 November 2022

Tác giả: thuc


0
(0)

Sơn cúc hai hoa

Tên gọi khác: Sài đất hai hoa, rau mui, hải cúc, cúc biển

Tên khoa học: Wedelia biflora (L.) DC. in Wight

Tên đồng nghĩa: Verbesina biflora L., Acmella biflora (L.) Spreng.

Họ: Cúc (Asteraecae)

Công dụng: chữa sốt rét định kỳ, đái ra máu, khó đái, nổi mày đay, chữa mụn nhọt, lở loét, côn trùng đốt, lấy lá tươi, rửa sạch, giã nát đắp.

Mô tả

  • Cây thảo, sống nhiều năm, cao 1 – 1,5 m, phần ngọn hơi quấn. Thân cành nhẵn, có khía.
  • Lá mọc đối có cuống, hình mác, dài 4 – 7,5 cm, rộng 2 – 4 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, hai mặt có lông nháp, mép khía răng, gân chính 3, gân phụ kết thành mạng lưới rõ.
  • Cụm hoa mọc ở đầu ngọn và kẽ lá thành đầu riêng lẻ, đôi khi đôi một, tổng bao rộng cm, gồm những lá bắc hình bầu dục, sau hình mũi mác, có lông nháp ở mặt ngoài, mào lông 0, tràng hình lưỡi có 2 răng, tràng hình ống có 5 răng xẻ tua ở mặt ngoài; nhị 5 có hai tay ngắn ở gốc: bầu hình ống, có lông ở đầu.
  • Quả bế, hình bầu dục tròn, có lông ở đầu.

Phân bố, sinh thái

Chi Wedelia Jacq. trên thế giới có khoảng 50 loài, phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam chi này có 5 loài, loài sơn cúc hai hoa phân bố rải rác ở một số tỉnh ven biển như: Quảng Ninh (Trà Cổ, Hòn Gai), Hải Phòng (Đồ Sơn), Quảng Trị (Vĩnh Linh), Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng (Hải Vân, Sơn Trà), Quảng Ngãi (Đức Phổ), Bình Định (Phù Mỹ, Phù Cát), Khánh Hoà (Trường Sa), Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre và Cả Mau. Trên thế giới, loài này có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Sơn cúc hai hoa là cây ưa sáng, ưa ẩm đồng thời cũng có thể hơi chịu hạn. Cây thường mọc lẫn với các loài cỏ hay cây bụi khác ven rừng.

Bộ phận dùng:

Toàn cây

Thành phần hoá học

  • Sơn cúc hai hoa chứa veratrysidenehydrazid, 3.3′-di-O-methylquercetin, 2,7-dihydroxy- 3- (3′ – methoxy – 4′ – hydroxy) – 5 – methoxyisoflavon và 7, 3 – di – O – methylquer – cetin.
  • Lá chứa nước 89%, nitơ toàn phần 0,48%, chất chiết tan trong ether 1%, chất xơ 1% đường khử 1%, tinh bột 0,5%, tro 0,5%, vitamin C 10mg%, nhiều protein, nhiều chất xơ (Sastri et al., The wealth of India, 1976, 568).

Tính vị, công năng

Lá sơn cúc hai hoa có công năng bổ huyết, hoạt huyết, tán ứ, tiêu thũng; hoa gây xổ mạch; thân và lá già có độc.

Công dụng

Lá sơn cúc hai hoa được dùng để chữa sốt rét định kỳ, đái ra máu, khó đái, nổi mày đay. Ngày 10 – 15g sắc uống. Có thể dùng lá tươi 80 – 100g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, hoà thêm đường hoặc muối rồi uống.

Để chữa mụn nhọt, lở loét, côn trùng đốt, lấy lá tươi, rửa sạch, giã nát đắp.

Đọt lá non có thể dùng làm rau ăn, xào nấu với thịt, ốc, cá, rùa.

  • Ở Quảng Tây (Trung Quốc) toàn cây sơn cúc hai hoa được dùng trị phong thấp, đau nhức xương, đòn ngã tổn thương, sang dương thũng độc.
  • Ở Ấn Độ, nhân dân lấy lá, rửa sạch, giã nát, đắp lên chỗ da bị biến màu, vết chém chặt, côn trùng đốt, lở loét, các chỗ sưng đau, giãn tĩnh mạch. Cũng được dùng đắp vào bụng phụ nữ sau khi sinh và dùng khi bị đau bụng không rõ nguyên nhân.

Bài thuốc có sơn cúc hai hoa

Chữa táo bón mạn tính: Sơn cúc hai hoa (toàn cây) 20g, đại hoàng (thân rễ) 10g. Sắc uống chia làm 2 lần trong ngày [Chopra, 2001: 102].

Chữa mụn nhọt, lở ngứa, côn trùng đốt sưng đau: Lấy lá giã nát, thêm một ít vôi, trộn thật đều, đắp lên chỗ bị bệnh (kinh nghiệm ở Papua New Guinea).

Chú ý

  • Thân và lá già cây sơn cúc hai hoa độc với dê, ngựa. Khi các loài động vật này ăn phải sẽ bị ngộ độc, sinh non tháo và có thể bị chết.
  • Hoa có tác dụng tẩy mạnh, cần chú ý .

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Vui lòng để lại đánh giá của bạn nhé!

Điểm đánh giá trung bình 0 / 5. Số lượng tham gia đánh giá: 0

Hiện bài viết chưa có đánh giá nào! Bạn hãy là người đầu tiên nhé.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Bài viết liên quan

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Hoa đu đủ đực
>