Sơn dịch
Tên gọi khác: Khoai ca, nam mộc hương
Tên khoa học: Aristolochia indica L.
Tên đồng nghĩa: Aristolochia lanceolata Wight
Họ: Mộc hương (Aristolochiaceae)
Công dụng: trị rắn cắn, ong đốt
Mô tả
- Cây thảo mọc leo, sống nhiều năm. Rễ phình thành củ to. Thân nhẵn, cành màu nâu đen.
- Lá mọc so le, hình mác – trái xoan, gốc bằng hay hơi hình tim, đầu thuôn nhọn, mép lượn sóng, hai mặt nhẵn, 5 gân toả từ gốc lá; cuống dài 1 cm.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá, gồm 2 – 3 hoa, lá bắc nhỏ, bao dài 3 – 4 cm, gồm 6 thuỷ thuôn nhãn, phần dưới hẹp, phần trên loe thành phiến hai môi; nhị 6; bầu hạ chứa nhiều noãn.
- Quả nang, dài 3 – 4 cm; hạt dẹt, có cánh.
- Mùa hoa quả: Tháng 4 – 7.
Phân bố, sinh thái
Sơn dịch là loài tương đối hiếm gặp ở nước ta. Theo một số tài liệu hiện có, về phân bố của loài này mới ghi nhận được tại một số điểm thuộc tỉnh Gia Lai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu [Sách Đỏ Việt Nam, 2007; Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam, 2006]. Gần đây phát hiện thêm điểm phân bố mới tại ngoại ô thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Sơn dịch là loài cây chịu bóng, ưa ẩm và cũng hơi chịu được khô hạn. Cây mọc rải rác ở ven rừng kín thường xanh âm, độ cao lên tới khoảng 1400m (ngoại ô Đà Lạt). Do sự phân bố hạn chế, kích thước quần thể nhỏ, nên sơn dịch được đưa vào “Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam” (1996, 2007) nhằm khuyến cáo bảo tồn.
Bộ phận dùng:
Rễ, thân và lá dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hoá học
Cây chứa acid aristolochic, acid aristolochic D và Me etler lactam của nó và aristololactam – β – D – glucosid và một sesquiteren 4 vòng là ishwaron.
Tác dụng dược lý
Hoạt tính chống sinh sản:
Sơn dịch làm giảm sự phát triển, với sự giảm trọng lượng và hàm lượng protein toàn phần tử cung ở động vật được điều trị với vị thuốc này. Acid aristolic ảnh hưởng đến tác động của steroid đối với tử cung khiến cho tử cung chống lại sự làm tổ của trứng. Một cao chiết ethanol rễ sơn dịch có tác dụng làm giảm khả năng sinh sản cả chuột nhắt trắng và chuột túi.
Hoạt tính kháng estrogen:
Acid aristolic thể hiện hoạt tính kháng estrogen biểu hiện ở tác dụng dự phòng sự tăng trọng lượng và tăng trưởng biểu mô gây bởi estrogen ở tử cung chuột nhắt trắng. Nó gây giảm hoạt tính của phosphatase kiềm, hàm lượng glycogen ở tử cung được xử lý với estrogen và dự phòng làm tổ của trứng trong giai đoạn đầu của thời kỳ thai nghén ở chuột nhắt trắng.
Hoạt tính chống ung thư: Acid aristolchic có hoạt tính chống ung thư tuyển 755 ở chuột nhắt trắng.
Điều hòa miễn dịch: Acid aristoloclic gắn với thụ thể bề mặt của tế bào lympho, làm thay đổi đáp ứng miễn dịch.
Hoạt tính chống viêm:
Acid aristolochic có vai trò điều hoà trong sự tổng hợp prostaglandin. Nó ức chế viêm gây bởi các cơ chế cả miễn dịch và không miễn dịch. Một cơ chế tác dụng là ức chế trực tiếp phospholipase A2), làm giảm sự sản sinh các eicosanoid và các yếu tố hoạt hoá tiểu cầu. Một cơ chế chống viêm khác là tác dụng trên sự huy động acid arachidonic trong các bạch cầu trung tính người).
Công dụng
Rễ sơn dịch có vị đắng và gây buồn nôn. Toàn cây dùng trị bệnh sốt từng cơn, thuỷ thũng (Võ Văn Chi, 1997: 615).
- Trong y học dân gian Ấn Độ, rễ sơn dịch là thuốc giải độc trị rắn cắn và côn trùng độc chấm đốt như bọ cạp, được dùng cả bên ngoài và bên trong, nó làm cho chỗ bị cắn không cảm thụ đối với tác dụng nguy hại của chất độc. Xoa với mật ong, nó được dùng trị bệnh phong và trị phù.
- Ngâm với hạt tiêu, nó được dùng trong trường hợp mắc bệnh tả và tiêu chảy. Nước súc rễ và thân cây có tác dụng kích thích và hạ sốt. Kết hợp với hạt tiêu và gừng nó được dùng làm thuốc giảm chướng bụng trong tiêu chảy và các bệnh đường ruột.
- Ở Philippin, rễ có nhựa đắng của Sơn dịch là một loại thuốc thông dụng để trị các vết cắn và vết đốt có nọc độc (Selvanaya gam Z E et al., 1994).