Thài lài tía
Tên tiếng Việt: Thài lài tía, Rau trai tía, Co hồng trai, Chạ pi đeng, Biển súc, Phiéc đa đeng (Tày), Xa phón sí (Dao)
Tên khoa học: Tradescantia zebrina Hort. ex London
Tên đồng nghĩa: Zebrina pendula Schnizl.
Họ: Commelinaceae (Thài lài)
Công dụng: Tụ máu, hàn vết thương (Lá giã đắp). Kiết lỵ, giun đũa, đái dắt, đái buốt, đái ra máu, chữa sỏi thận, vàng da (cả cây sắc uống).
Mô tả
Cỏ mập bò, có thân phân nhánh và bén rễ ở các mấu. Lá mọc so le, có bẹ, phiến lá hình bầu dục, chóp nhọn, mặt trên màu lục, có sọc ở mép và ở giữa, lằn giữa và mặt dưới đỏ tía, bẹ có lông. Hoa nhỏ, xanh tía hay hồng, 1-2 cái ở chót nhánh, 2 lá bắc, cánh hoa dính nhau, 6 nhị bằng nhau. Quả nang nhỏ chứa nhiều hạt có áo hạt.
Bộ phận dùng
Toàn cây – Herba Tradescantiae Zebrinae.
Nơi sống và thu hái
Cây mọc ở chỗ ẩm trên núi đá, nơi có nhiều mùn. Cũng thường được trồng làm cây cảnh vì lá đẹp. Ðể làm thuốc, thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Tính vị, tác dụng
Vị ngọt, tính hàn, hơi độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu tiêu thũng, lương huyết, trừ ho.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
Lá non có thể luộc làm rau ăn. Cây được dùng làm thuốc chữa kiết lỵ, đái buốt, táo bón. Liều dùng 30-40g cây khô sắc uống. Dùng ngoài lấy cây tươi giã đắp hàn vết thương, chữa tụ máu sưng tấy, mụn nhọt, chốc lở.
Ở Vân Nam (Trung Quốc) cây được dùng chữa thủy thũng, sỏi niệu đạo, viêm họng, viêm ruột ỉa chảy, ho, thổ huyết, mắt đỏ sưng đau, bỏng lửa, bạch đới, đái đục, bệnh lậu, lỵ, mụn nhọt độc, phong nhiệt đau đầu.
Đơn thuốc:
- Ðái buốt, kiết lỵ: Thài lài tía 30g, Mộc thông hay Mã đề 20g, sắc uống.
- Mụn nhọt sưng tấy: Thài lài tía, Sống đời, mỗi vị 20g-30g, giã tươi, thêm nước, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp vào chỗ sưng.