Thảo đậu khấu bắc
Tên khoa học: Alpinia zerumbet (Pers.) Burtt et R. M. Smith
Tên đồng nghĩa: Casus zerumbet Pers, Zerumbet speciosum Wendl.
Tên gọi khác: Sẹ nước, riềng ấm, gừng ấm, riềng đẹp
Họ: Gừng (Zingiberaceae)
Công dụng: chữa đau dạ dày, trướng bụng, đờm thấp tích trệ, tiêu hoá không bình thường, nôn mửa, ỉa chảy.
Mô tả
- Cây thảo lớn, cao đến 3m.
- Lá mọc so le, thành hai dãy đều, hinh mác, dài 50 – 70 cm, rộng 8 – 10 cm, gốc có bẹ nhẵn, lưỡi bẹ tù dài khoảng 1 cm, có lông mềm, đầu thuôn nhọn, mép lượn sóng, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, lớn nhất so với các loại khác cùng chi (cao tới 3m).
- Cụm hoa mọc ở đầu ngọn thành chùy uốn cong, dài 30 cm, màu đỏ, có lông vàng; lá bắc không có hoặc có nhưng dễ rụng, lá bắc con nhỏ kèm theo hoa, hoa to màu trắng, đài hình chuông, có 2 – 3 răng tràng có ống ngắn, cánh hoa hình bầu dục, lõm ở đầu; chỉ nhị và bao phấn nhẵn dài bằng nhau, nhị lép tiêu giảm thành 2 răng nhọn, cánh môi hình trái xoan màu vàng viền đỏ, chia 3 thuỳ; bầu có lông màu vàng, nhụy lép có khía hiện ở đầu.
- Quả nang, hình cầu hơi có cạnh, nhẵn hoặc có ít lông.
- Mùa hoa quả: tháng 2 – 6.
Phân bố, sinh thái
Vị thuốc có tên “Thảo đậu khấu” ở Việt Nam được thu hái từ quả già của một số loài thuộc chi Alpinia Roxb. (bao gồm cả chi Catimbium trước kia, nay được gộp cả vào chi Alpinia). Loài thảo đậu khấu trên đây có thể coi là cây có kích thước lớn nhất so với các loài cùng chi.
Cây phân bố khá phổ biến ở khắp các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du, từ Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai (Bảo Thắng), Yên Bái, Hà Giang (Bắc Quang, Quang Bình), Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hoà Bình, Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc (Tam Đảo, Lập Thạch) vào đến Thanh Hoá, Nghệ An và một vài tỉnh phía Nam. Trên thế giới, loài này có ở Ấn Độ, Mianma, Nam Trung Quốc, Lào, Thái Lan…
Thảo đậu khấu là cây ưa ẩm, hơi chịu bóng và thường mọc ven các bờ khe suối ở cửa rừng hay trong các thung lũng. Cây mọc thành khóm lớn, ra hoa quả hàng năm, nhưng hoa quả chỉ có ở những nhánh lớn 1 – 2 năm tuổi, sau khi quả già, những nhánh này sẽ tàn lụi (sau khoảng 1 năm). Cây tái sinh tự nhiên tốt từ hạt và đẻ nhiều nhánh con tử gốc và thân rễ.
Bộ phận dùng:
Thân, rễ và hạt.
Thành phần hóa học
- Trong thân rễ chứa tinh dầu, flavon, chalcon và acid hữu cơ.
- lượng tinh dầu khoảng 1,5%, thành phần chủ yếu là: α – caryophyllen, sabinen, p- cymen, terpeinen – 4 – ol, α – terpineol, borneol axetat, α – copaen, β- elemen, β- selinen, Y- murolen, β-cubenen, β – guaien, y – cadinen.
- Thành phần tinh dầu còn có: linalool, camphor và các diarylheptanoid
Tác dụng dược lý
Tác dụng trên Helicobacter pylori:
Helicobacter pylori (HP) là loại vi khuẩn gây loét dạ dày tá tràng. Trong nghiên cứu này đã thử tác dụng trên HP của 50 loại cao chiết từ các cây thuốc trong y học dân gian Đài Loan bằng ethanol 95%. Kết quả cho thấy 5 loại cao có tác dụng trên HP mạnh nhất, trong đó có cao chiết từ hạt thảo đậu khấu. Nồng độ tối thiểu ức chế (IC50) HP của 5 loại cao này rất thấp chỉ từ 0,64 đến 10,24 mg/ml. (Wang YC et al., 2005).
Tác dụng giãn cơ trơn và chống co thắt:
Đã nghiên cứu tác dụng của tinh dầu thảo đậu khấu trên hồi tràng chuột cống trắng cô lập. Tinh dầu với nồng độ 0,1 – 600 microg/ml gây giãn trương lực cơ bản của hồi tràng có phục hồi (sau khi bỏ thuốc, hồi tràng lại phục hồi được trương lực co).
Tác dụng chống nấm da:
Mười ba loại tinh dầu đã được phân lập từ các cây và đã thử tác dụng in vitro trên các chủng nấm da phân lập từ bệnh nhân bị nấm da. Kết quả cho thấy 5/13 loại tinh dầu ức chế được 80% các chủng nấm da với đường kính vòng vô nấm lớn hơn 10 mm là tinh dầu quế quan, hương nhu trắng, sả, thảo đậu khấu và tinh dầu trôm sơ ri (Eugenia uniflora L.).
Thử lâm sàng tác dụng lợi tiểu:
Đã tiến hành thử lâm sàng trên 10 người tình nguyện khỏe mạnh uống nước sắc hạt thảo đậu khấu với liều mỗi ngày 0,8g/100ml nước trong 7 ngày, có so sánh với placebo. Kết quả cho thấy thảo đậu khấu làm tăng thể tích nước tiểu không nhiều, nhưng có ý nghĩa thống kê, giảm huyết áp tâm trương, giảm huyết áp tâm thu.
Tính vị, công năng
Hạt thảo đậu khấu vị cay, chát, tính ấm; có công năng tản hàn thấp, tiêu đờm trệ. làm ấm bụng, mạnh tỳ vị, giúp tiêu hoá, chống sốt rét.
Tài liệu Trung Quốc ghi: Đại đậu khấu (hạt của cây thảo đậu khấu) vị đắng chát, tính ôn, có công năng tảo thấp, khư hàn, trừ đờm, tiệt ngược (chống sốt rét), kiện tỳ, hoãn vị. Chủ trị: tâm phúc hàn thống (ngực bụng lạnh đau), đởm thấp tích trệ, tiêu hoả bất thường, nôn mửa, tả lỵ [TDTH, 1993, 1: 311 – 312].
Công dụng
Hạt thảo đậu khấu được dùng chữa đau dạ dày, trướng bụng, đờm thấp tích trệ, tiêu hoá không bình thường, nôn mửa, ỉa chảy. Liều dùng ngày 5-10g hạt, sắc lấy nước uống.
Lá sắc uống trị sốt, đau bụng.
Tinh dầu rất thơm, có thể thay thế tinh dầu gừng trong thực phẩm.
Bài thuốc có thảo đậu khấu
- Chữa lạnh bụng, đau bụng, ăn không tiêu: Thảo đậu khấu (hạt) tán nhỏ, uống mỗi 1 – 2g cùng với nước sắc gừng làm thang.
- Chữa sốt rét cơn lâu ngày, lách sưng cứng, da bụng dày: Thảo đậu khấu 12g, nam mộc hương, chỉ xác, bách bệnh (hay hậu phác), nghệ đen, rẻ quạt, mỗi vị 10g, sắc uống ngày 1 thang. Có thể tán bột làm viên, uống mỗi lần 10g, ngày 3 lần.
Ghi chú:
Người đang nhiệt, nôn khan, cấm dùng thảo đậu khấu.