10 November 2022

0 bình luận

Thông tre lá dài

10 November 2022

Tác giả: thuc


0
(0)

Thông tre lá dài

Tên gọi khác: Bách niên tùng, thông tre

Tên khoa học: Podocarpus neriifolius D. Don

Tên đồng nghĩa: P. annamensis N. E. Gray

Họ: Kim giao (Podocarpaceae)

Công dụng: điều trị thấp khớp, đau nhức xương, các khớp sưng đau, chữa thuỷ thũng.

Mô tả

  • Cây nhỡ hay cây to, cao 15 – 30m, phân cành sớm. Thân có vỏ mỏng màu nâu.
  • Lá mọc so le, có cuống ngắn, thường tập trung ở đầu cành, hình dải hẹp, dài đến 10 cm, rộng 1 cm ở những cành già và ngắn hoặc dài 15 cm và rộng 5 cm ở nhánh non và dài, gốc thuôn, đầu nhọn, có gân giữa nổi rõ ở mặt trên và thường có màu nâu đỏ hay tia hồng.
  • Hoa gồm nón đực và nón cái, nón đực mọc đơn độc hay tập trung 2 – 3 cái ở kẽ lá gần đầu cành nom như bông giả; nón cái mọc đơn độc trên một cuống dài 1 – 2 cm, đế nạc phình ra ở phía trên, khi già màu đỏ, noãn đơn độc, hạt hình trứng, dài 1 – 1,5 cm, hơi thót lại ở đỉnh, vỏ dày và nạc, khi chín màu xanh cô ban.
  • Mùa sinh sản: tháng 5 – 10.

Phân bố, sinh thái

Theo quan điểm của nhiều nhà thực vật học Việt Nam, chi Podocarpus ở nước ta có 2 loài mọc tự nhiên là thông tre lá dài (Podocarpus neriifolius D. Don) và thông tre lá ngắn (P.pilgeri Foxw.) – (Nguyen Tien Hiep, Phan Ke loc, et al. 2005); Nguyen Duc To Luu, et al., (2004)…). Tuy nhiên, vào năm 1958 N.E.Gray có mô tả loài P. annamiensis N.E.Gray từ các mẫu thu được ở gần Đà Nẵng, với những đặc điểm biến đổi của mũi lá và số lượng nón đực (?). Quan điểm này cũng được các nhà thực vật học Trung Quốc tán đồng. Song, theo các nhà thực vật trong nước kể trên thì đều cho rằng đó là những biến đổi nhỏ về hình thái theo môi trường sống của loài thông tre lá dài (P. neriifolius D. Don).

Trên thế giới, thông tre lá dài phân bố ở nhiều quốc gia châu Á. Từ Ấn Độ qua Bangladesh, Myanma, nam Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam… xuống tận Indonesia và Papua Niu Ghinê. Ở Việt Nam, đây cũng là loài phân bố khá rộng rãi ở hầu hết các tỉnh miền núi, bao gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Đồng Nai… Mặc dù có phân bố ở nhiều điểm, nhưng kích thước quần thể tự nhiên là không lớn.

Thông tre lá dài là loại cây gỗ lớn, thường mọc rải rác ở rừng kín thường xanh còn nguyên sinh hay mới trở nên thứ sinh, trên núi đất và cả núi đá.

Thông tre lá dài cho gỗ tốt và còn là cây trồng làm cảnh có giá trị, bởi vậy chúng đã bị tìm kiếm khai thác, làm cho chúng bị hiếm dần. Thông tre lá dài được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2006) ở mức sắp bị nguy cấp (VU), cần được bảo vệ.

Bộ phận dùng:

Lá, cành, rễ.

Thành phần hoá học

Lá chứa sciadopitysin, các podocarpus flavon A và B, robustaflavon và các 7’’ – methylether, 2’’ – O – rham- nosylscoparin, p – hydroxybenzaic, n – tetratriacontanol, sitosterol và các stearat của chúng.

Tác dụng dược lý

Tác dụng chống tăng sinh tế bào:

Cao chiết bằng ethanol từ thân và cành của cây thông tre lá dài có tác dụng chống tăng sinh (antiproliferative activity) trên 2 dòng tế bào ung thư là dòng tế bào sarcom sợi (fibrosarcoma) HT – 1080 của người và dòng tế bào carcinom kết tràng 26 – L5 của chuột.

Xác định độc tính cấp:

Toàn cây thông tre lá dài (thân, cành, lá) bỏ rễ, chặt nhỏ phơi khô, tán thành bột thô, chiết bằng ethanol 50%, rồi cô áp suất giảm đến thể chất cao khô. Xác định độc tính cấp trên chuột nhắt trắng dùng đường tiêm phúc mạc thấy liều chết trung bình LD50 = 187 mg/kg, chứng tỏ cao thông tre lá dài có độc tính khá cao (Dharml et al., 1974).

Tác dụng hạ huyết áp:

Cao thông tre lá dài chiết bằng cách trên, được hoà với nước cất rồi tiêm tĩnh mạch cho mèo làm hạ huyết áp [Tài liệu đã dẫn].

Tác dụng lợi tiểu:

Cho chuột cống trắng uống cao thông tre lá dài chiết bằng cách trên với liều 50 mg/kg, thể tích nước tiểu bài xuất ra tăng có ý nghĩa so với lô đối chứng [Tài liệu đã dẫn].

Tính vị, công năng

Cành lá thông tre lá dài vị cay chát, có công năng khư phong tiếp cốt.

Công dụng

Kinh nghiệm nhân dân dùng cành lá chặt nhỏ, sắc lấy nước uống để điều trị thấp khớp, đau nhức xương, các khớp sưng đau, ngày 3 – 5g. Có thể chặt nhỏ, nghiền rồi ngâm rượu để xoa ngoài.

Rễ được dùng chữa thuỷ thũng. Để hạt khi chín có mùi thơm, ăn được.

  • Ở Indonesia, gỗ thông tre lá dài để chế tạo đồ đạc như bàn ghế, giường tủ; lá để chữa thấp khớp, viêm sưng khớp [Medicinal herb index, 1995: 4].
  • Ở Malaysia và Ấn Độ, lá được dùng chữa ho, ho ra máu, viêm phế quản. Cũng được dùng trong thấp khớp và viêm khớp [Chopra et al., 1998: 81], [Perry et al., 1980: 402].

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Vui lòng để lại đánh giá của bạn nhé!

Điểm đánh giá trung bình 0 / 5. Số lượng tham gia đánh giá: 0

Hiện bài viết chưa có đánh giá nào! Bạn hãy là người đầu tiên nhé.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Bài viết liên quan

Theo kinh nghiệm y học cổ truyền dùng hoa đu đủ đực để chữa một số bệnh mang lại hiệu quả rất tốt. Dùng hoa đu đủ đực tươi hay khô cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Hoa đu đủ đực
>