Tía tô dại
Tên tiếng Việt: Élớn tròng, Tía tô giới
Tên khoa học: Hyptis suaveolens (L.) Poir.
Thuộc họ: Hoa môi (Lamiacae)
Công dụng: chữa cảm cúm, sốt
Hình ảnh cây tía tô dại
Mô tả cây
Cỏ cao 1-1,5m. thân đứng phân nhánh, lúc mới hơi tròn, sau vuông, có nhiều lông.
Lá có cuống dài, phiến lá hình trứng, đầu tù, phía dưới hình tim, dài 2-6cm, rộng 1,5-2cm, mép có răng cưa, hai mặt đều phủ lông gân không nổi rõ. Hoa mọc thành xim thưa hoa ở kẽ lá. Hoa nhỏ có cuống dài, đài hình chuông 10 gân, 5 răng. Tràng màu xanh hơi tím, thò ra ngoài đài, ống hình trụ, họng hơi phồng, phiến hai môi, môi dưới hình túi, 4 nhị, 2 trội.
Quả đóng tư dẹt, rốn rộng.
Phân bố thu hái và chế biến
Mọc hoang dại ở khắp nơi trong nước ta, nhiều nhất ở miền trung và miền nam. Thường ít thấy sử dụng. Một số nơi nhân dân hái toàn cây tươi, cắt bỏ rễ, phơi hay sấy khô dùng dần.
Thành phần hóa học
- Trong cây tươi có 1-1,5% tinh dầu. Theo phân tích của Nayak u. G. và Guha p. c. (Indian Chem. Soc., 1952, 29 (3), 183-186) trong tinh dầu có 31% 1.sabinen, 12% d.limonen, 17% azulen sesquitecpen, 40% sesquitecpen và ancol sesquitecpenic.
- Theo Acta ci venzolana 21, 161 (1970) c. A. 74, 12-57200 (1971) trong lá tươi cất theo hơi nước có chứa 0,048% tinh dầu, trong tinh dầu có 0,8% camphen, 5,1% γtecpinen, 3,2% β pinen, 13,5% limonen, 42,3% fenchon, ngoài ra còn 5 tecpen chưa xác định, 11 sesquitecpen chưa xác định và 3 ditecpen. (Miltiizer berichte, 1971, 25)
Công dụng và liều dùng
Cây lá tươi được một số vị lương y quanh thành phố Hồ Chí Minh sử dụng như vị bạc hà mọc hoang để chữa cảm cúm, sốt. Ngày dùng 10-16g dưới dạng thuốc sắc, thuốc hãm cùng với một số vị thuốc khác như hương nhu, kinh giới . Còn dùng lá tươi giã nát đắp lên những nơi viêm tấy, sưng đỏ, lở loét. Một số người dùng cho phụ nữ sau khi đẻ uống cho lợi sữa.