Xương rồng bà có gai
Tên tiếng Việt: Xương rồng bà có gai, Vợt gai, Tiên nhân chưởng
Tên khoa học: Opuntia dillenii (Ker- Gawl.) Haw.
Tên đồng nghĩa: Cactus dillenii Ker- Gawl.
Họ: Cactaceae (Xương rồng)
Công dụng: Chữa báng, lỵ, trĩ ra máu, đau dạ dày, ho, đau họng, sưng lá lách, quai bị, nhọt độc, sưng vú, bỏng lửa (cả cây).
Mô tả
Cây nhỏ, thường xanh, sống lâu năm, cao 0,5 – 2m. Thân mọng nước, phân nhánh nhiều. Cành là những khúc dẹt, hình trứng, dài 15 – 20cm, rộng 4 – 10cm, gốc thuôn, đầu tròn to, hình mái chèo, màu lục nhạt, có nhiều gai nhỏ và nhọn, mọc đơn độc hoặc tụ tập 2 – 3 cái. Cây không có lá, bấm vào thân thấy nhựa mủ trắng chảy ra.
Hoa màu vàng, mọc đơn độc; bao hoa gồm nhiều phiến và nhị, bầu hạ.
Quả thịt, hình trái xoan hoặc hình trứng, khi chín màu đỏ, ăn được.
Mùa hoa quả: gần như quanh năm.
Phân bố, sinh thái
Xương rồng bà có gai có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ và hiện nay phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới châu Á, đặc biệt là vùng ven biển ở Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Việt Nam và một số đảo ở Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, xương rồng bà có gai lúc đầu là cây trồng, sau trở nên hoang dại hóa ở các truông gai, bãi cát ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai và một số đảo lớn như Hòn Mê, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo và Phú Quốc. Đôi khi cũng gặp cây được trồng làm bờ rào nương rẫy ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương.
Xương rồng bà có gai là cây đặc biệt ưa sáng và chịu hạn tốt do thân phù mọng nước và lá tiêu giảm. Cây có thể sống được trên mọi loại đất, kể cả đất khô cằn ở vùng bán hoang mạc thuộc tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận. Xương rồng bà có gai còn có khả năng chịu nóng đến 49°c vể mùa hồ (ở Ân Độ). Cây trổng ở các tỉnh phía bắc, vẫn tồn tại được qua mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới 10°c. Xương rồng bà có gai sinh trưởng phát triển gần như quanh năm; những cây ít bị chặt phá ra hoa quả nhiều hàng năm. Quả chín thường bị chim hay kỳ nhông cát ăn, hiện chưa thấy cây con mọc từ hạt.
Xương rồng bà có gai tái sinh vô tính rất khoẻ, cây có thể mọc lại sau khi bị chặt phá hoặc từ một nhánh nhỏ.của thân nếu được tiếp xúc vói đất.
Bộ phận dùng
Toàn cây và rễ.
Thành phần hóa học
Xương rồng bà có gai chứa isorhamnetin, isoquercitrin 0,2%, ß – sitosterol, opuntiol, opuntiol acetat, narcisin. (Trung dược từ hải I, 1993; Compendium of Indian Medicinal Plants, vol (1960 – 1969), 1999).
Tác dụng dược lý
Theo một công trình nghiên cứu sàng lọc ở Ấn Độ, quả xương rồng bà có gai chiết bằng cồn 50%, rồi cô dưới áp lực giảm để được cao khô, đã được nghiên cứu sàng lọc về dược lý với những kết quả như sau:
- Cao khô với liều 250 mg/kg có tác dụng ức chế trên hệ thần kinh trung ương được biểu hiện bằng giảm hoạt động vận động tự nhiên và giảm phản xạ ở chuột nhắt trắng.
- Trên thời gian ngủ do một liều 45 mg/kg pentobarbiton ở chuột nhắt trắng, cao khô có tác dụng kéo dài thêm thời gian ngủ. Cao khô với liều 250 mg/kg có tác dụng lợi tiểu rõ rệt trên chuột cống trắng.
- Liều chết trung bình LD50 dùng đường tiêm phúc mạc cho chuột nhắt trắng là 1000 mg/kg, chứng tỏ cao có độc tính cấp vào loại khá.
Tính vị, công năng
Xương rồng bà có gai có vị đắng, tính mát, vào 3 kinh tâm, phế, vị, có tác dụng hành khí, hoạt huyết, thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, tán ứ, tiêu thũng, kiện vị, trấn khái, chỉ thống.
Công dụng
Ở Việt Nam, cành xương rồng bà có gai (một đoạn) cạo bỏ gai, nướng rồi giã đắp chữa mụn nhọt, đầu đinh, sưng vú, viêm tuyến mang tai, sai khớp, rắn cắn. Có thể phối hợp với lá ớt, lá mồng tơi. Cành tươi (40 – 80g) sắc uống chữa lỵ cấp tính, đau vùng thượng vị. Nông dân ở một số tỉnh còn dùng cành xương rồng bà có gai giã đắp chữa chân bị hà, đuôi lở ở trâu bò. Quả xương rồng bà có gai, nướng, ép lấy nước, chế thành si rô rồi uống mỗi lần 1 thìa cà phê, ngày 4-5 lần được dùng để giải nhiệt thông mật, chữa ho, hen suyễn. Ở Trung Quốc, thân và rễ còn được dùng chữa báng, viêm loét dạ dày, lỵ cấp tính, trĩ.